Cấp thiết dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Quốc lộ 51 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của cả vùng Đông Nam bộ, nối trung tâm Khu công nghiệp Đồng Nai - Bình Dương với các cảng biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đang rơi vào tình trạng quá tải. Khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khởi công xây dựng, tình trạng tắc nghẽn giao thông trên tuyến quốc lộ này chắc chắn sẽ trầm trọng hơn.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), chung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Bộ GTVT đánh giá như thế nào về tình trạng quá tải trên quốc lộ 51 đoạn từ Biên Hòa đi Vũng Tàu?

Ông NGUYỄN VIẾT HUY: Tuyến quốc lộ 51 từ TP Biên Hòa đi Vũng Tàu là một trong những tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đi các tỉnh phía Nam. Bộ GTVT đã triển khai nâng cấp, mở rộng quốc lộ 51 theo hình thức hợp đồng BOT và đi vào vận hành, khai thác từ tháng 4-2013. Trong những năm gần đây, lưu lượng giao thông tăng rất nhanh (khoảng 30% so với dự báo), đặc biệt là xe tải nặng, xe siêu trường siêu trọng, xe chở vật liệu… ra vào khu công nghiệp, cảng trong khu vực các mỏ vật liệu.

Đồng thời, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc tại nơi giao cắt với quốc lộ 51. Quá trình đô thị hóa xây dựng hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến quốc lộ 51 (khu kinh tế tập trung, dân cư hiện hữu, khu đô thị mới...) quá nhanh cũng dẫn đến ùn tắc giao thông tại các nút giao ngã tư Vũng Tàu Km0, Km0+900, Km23+900 và tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Theo hợp đồng BOT quốc lộ 51 đã ký, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2020, để phân bổ và giảm tải lưu lượng cho quốc lộ 51. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn vốn ngân sách trung ương khó khăn, nên đến nay chưa triển khai được.

Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ chỉ đạo nhà đầu tư BOT phối hợp cơ quan quản lý của địa phương tiếp tục tăng cường công tác duy tu, sửa chữa và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ đi lại của nhân dân trong vùng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan của tỉnh khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo một số nút giao có lưu lượng xe lớn và giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ trên tuyến quốc lộ 51, đảm bảo an toàn lưu thông.

Cấp thiết dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ảnh 1 Xe cộ xếp hàng dài khi qua Trạm thu phí T2, quốc lộ 51. Ảnh: QUANG PHÚ

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có nằm trong các dự án được Bộ GTVT ưu tiên triển khai hay không, thưa ông? 

Bộ GTVT nhấn mạnh, việc đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế, nằm trong danh mục ưu tiên triển khai đã được phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Xác định được tính chất quan trọng của dự án, từ năm 2015, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai nghiên cứu phân đoạn, phân kỳ đầu tư dự án.

Theo đó, ưu tiên đầu tư trước đoạn từ Biên Hòa đến Tân Thành và nối ra cảng Cái Mép, Thị Vải để tăng cường vận tải phục vụ cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Bộ GTVT đã phê duyệt đề xuất dự án và tổ chức công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, do không cân đối được nguồn vốn ngân sách nhà nước nên chưa triển khai được (không có trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020).

Dự kiến khi nào dự án được khởi công và Bộ GTVT sẽ hỗ trợ gì cho các địa phương tháo gỡ khó khăn để dự án sớm được triển khai?

Trong bối cảnh ngân sách trung ương bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khó khăn, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động đề xuất cân đối ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án. Ngày 1-11-2019, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã mời Bộ GTVT họp về phương án đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tại cuộc họp này, các tỉnh thống nhất giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tổ chức kêu gọi nhà đầu tư, quản lý thực hiện chung toàn bộ tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, sẽ có văn bản đồng trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất về công tác quản lý, tổ chức thực hiện và phương án đầu tư dự án. 

Hiện nay, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủng hộ tỉnh huy động nguồn lực của địa phương và sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương hỗ trợ về trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai trong thời gian sớm nhất.

Tin cùng chuyên mục