Cấp thiết đầu tư giao thông liên tỉnh

Địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, năng động và có mức độ tập trung khu công nghiệp (KCN), dân cư đông đúc, đặt ra yêu cầu phải phát triển mạng lưới giao thông hiện đại kịp thời, nối liền các tỉnh, TP trong khu vực để đẩy mạnh giao thương hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Công việc này càng trở nên cấp thiết khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp được khởi công.   
Xe cộ nối đuôi nhau qua Trạm thu phí T2 - quốc lộ 51
Xe cộ nối đuôi nhau qua Trạm thu phí T2 - quốc lộ 51

Nút thắt hạ tầng giao thông

Tỉnh Bình Dương có 29 KCN lớn với hơn 35.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 3.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng tắc đường, kẹt xe thường xuyên xảy ra ở nhiều tuyến đường lớn, huyết mạch của tỉnh. Theo tính toán của các thành viên Hiệp hội Logistics Bình Dương, hàng hóa tại các KCN Bình Dương đi cảng biển của TPHCM có cự ly chỉ khoảng 30km nhưng thời gian chuyển hàng đến cảng và đưa container rỗng về lại công ty mất khoảng 10 tiếng và chi phí logistics chiếm 30%-40% giá thành sản phẩm. 

Tuyến quốc lộ 13 nối từ TPHCM với Bình Dương - Bình Phước, trong đó chặng từ ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức) đến TP Thủ Dầu Một dài khoảng hơn 10km nhưng là một trong những nút thắt giao thông tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục. Theo đại diện một doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương, đường sá nhỏ hẹp là một trong những cản ngại lớn nhất, có những ngày di chuyển giữa chặng đường này mất gần 2 tiếng. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Khi xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ phải có tầm nhìn xa hơn. Điển hình như tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, có vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh nhưng vừa đưa vào sử dụng đã quá tải do ít làn đường, nhiều điểm giao cắt. Từ thực tế này có thể rút ra bài học là khi xây dựng tuyến đường lớn thì cần hạn chế các ngã ba, ngã tư, hoặc tại điểm giao nhau cần có cầu vượt dành cho xe thô sơ qua lại, hạn chế thời gian dừng chờ đèn tín hiệu giao thông”.

Theo ông Hiệp, kinh nghiệm làm đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), Mai Chí Thọ (quận 2), TPHCM là nhà đầu tư đã có tầm nhìn xa - dự báo đáp ứng nhu cầu cho cả 30 - 40 năm sau. Công trình xây dựng những tuyến đường lớn, ở giữa có không gian phát triển mảng xanh nhưng cũng có thể mở rộng khi đường mãn tải, tiết kiệm ngân sách rất lớn vì khi cần mở rộng đã có sẵn quỹ đất, không phải loay hoay giải phóng mặt bằng. Hiện nhiều địa phương của tỉnh Bình Dương đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh sớm hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông đô thị có nhu cầu thông thương lớn, có tính kết nối liên tỉnh như đường ĐT743, phát triển mạng lưới đường thủy, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh… nhằm giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, tăng kết nối vùng.

Giúp thu hút đầu tư

Dự án xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 của TPHCM với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án, theo đề xuất trước đó của địa phương này. Dự kiến cầu Cát Lái sẽ khởi công vào cuối năm 2020, có chiều dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp. Và một dự án kết nối liên tỉnh có vốn đầu tư lớn (10.688 tỷ đồng) khác là cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) cũng đã được Thủ tướng đồng ý giao UBND TPHCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai như kiến nghị của Bộ GTVT và 2 địa phương. Việc làm con đường cao tốc này sẽ tháo điểm nút về giao thông ở cửa ngõ phía Bắc của TPHCM và giúp thu hút đầu tư vào các huyện phía Đông của tỉnh Tây Ninh như Trảng Bàng, Bến Cầu.  

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thống nhất nguồn vốn xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai); trong đó, tỉnh Bình Dương sẽ ứng trước kinh phí để xây dựng cầu, tỉnh Đồng Nai sẽ cân đối hoàn trả sau khi hoàn thành công trình. Cùng với đó, Bình Dương cũng đang phát triển mạng lưới giao thông đường sông và nghiên cứu xây dựng các cảng sông tại khu vực phường Thái Hòa (thị xã Tân Uyên) và xã An Tây (thị xã Bến Cát) nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hơn 1,7 triệu tấn hàng hóa và hơn 6 triệu hành khách vào năm 2025. 

Tại Đồng Nai, đường 319 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay được xem là tuyến đường tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nhơn Trạch - đi xuyên qua hầu hết các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch, các tuyến đường 25A, 25B, 25C và kết nối với 2 tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Ngoài ra, tuyến đường này cũng đấu nối với cảng Phước An, cảng Cát Lái tạo thuận lợi phát triển giao thông đường thủy.

Hiện quốc lộ 51 nối TP Biên Hòa và Vũng Tàu đang quá tải trầm trọng, khi lưu lượng xe qua Trạm thu phí T2 trong 4 tháng đầu năm 2020 (ảnh hưởng của dịch Covid-19) vẫn đạt 35.896 lượt/ngày (gấp 3,6 lần công suất thiết kế) - cao nhất là trong tháng 2 với 40.718 lượt/ngày và thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải. Do đó, cần sớm triển khai thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để chia bớt lượng xe cho quốc lộ 51 và không gây ùn tắc nghiêm trọng trên toàn tuyến quốc lộ này, khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp được khởi công. 

Tin cùng chuyên mục