Cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế: Công bằng với tất cả người bệnh

Dịch Covid-19 bùng phát khiến cho áp lực của ngành y tế đang trở nên vô cùng lớn. Bên cạnh việc phải chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân Covid-19 để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong thì các cơ sở y tế buộc phải làm tốt công tác cấp cứu, điều trị cho những bệnh nhân khác không phải Covid-19, bởi họ cũng cần được hỗ trợ y tế kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.
Bệnh viện dã chiến thu dung số 5 tại The Garden Mall cho TPHCM
Bệnh viện dã chiến thu dung số 5 tại The Garden Mall cho TPHCM

Không để người bệnh “thiệt thòi”

Trước đây, cứ hễ nhức đầu, chóng mặt là người nhà lại đưa bà Hà Thị Hoa (62 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đến bệnh viện để được thăm khám. “Mẹ tôi bị cao huyết áp kèm rối loạn tiền đình nên cứ mỗi khi sức khỏe không ổn là phải đưa đi gặp bác sĩ ngay”, chị Trần Minh Tâm, con gái bà Hoa chia sẻ. Cũng một tháng hai lần đến bệnh viện là tình trạng chung của những bệnh nhân đái tháo đường như bà Nguyễn Thị Tình (73 tuổi, ngụ quận 11). Do bệnh đái tháo đường đã biến chứng sang cả tim mạch nên việc bà Tình phải đi bệnh viện để khám và điều chỉnh thuốc là việc làm thường xuyên. Thế nhưng, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, những người có bệnh lý nền như bà Hoa và bà Tình đã không còn đến bệnh viện thường xuyên nữa. “Chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ khám cho mẹ tôi để được kê đơn thuốc và mua thuốc về nhà uống chứ không dám đưa đến bệnh viện bởi nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Chỉ khi nào tình huống thật nguy cấp chúng tôi mới phải đưa mẹ vào bệnh viện để cấp cứu”, chị Minh Tâm cho biết. 

Trì hoãn đến mức tối đa việc phải đến bệnh viện là tình trạng chung của nhiều người dân kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ khi thật cần thiết, bệnh trở nặng nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người dân mới phải “bất đắc dĩ” tìm đến bệnh viện. Các bác sĩ lo ngại, việc trì hoãn đến bệnh viện đối với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh thận mạn… là vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến nguy kịch. Còn đối với những bệnh cần phẫu thuật ngay nhưng trì hoãn tới bệnh viện có thể gây biến chứng rất khó lường, thậm chí tử vong. 

Thực tế, tại TPHCM trong những ngày qua, các bệnh viện và nhân viên y tế được huy động tổng lực để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 khiến cho quy mô, số lượng của các cơ sở y tế phục vụ cho những bệnh nhân không phải Covid-19 bị thu hẹp lại. Bên cạnh các bệnh viện chuyển đổi toàn bộ công năng sang điều trị Covid-19 thì hầu hết các bệnh viện khác vẫn hoạt động theo mô hình “bệnh viện tách đôi”, vừa điều trị Covid-19, vừa điều trị cho bệnh nhân thông thường. 

Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, cũng cho biết, công tác cấp cứu, tiếp nhận cứu người tại đơn vị này vẫn được duy trì bình thường. Tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện, công tác sàng lọc test nhanh, xét nghiệm Covid-19 đã được thực hiện rất kỹ. Tương tự, dù phải đi đầu, xung phong chia lửa trong phòng chống Covid-19 nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chú trọng và bảo đảm nhân sự, chất lượng điều trị, tạo sự công bằng với tất cả bệnh nhân khi đến bệnh viện. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, trong thời gian qua, ngoài bệnh nhân Covid-19, còn rất nhiều bệnh nhân nặng khác từ các tỉnh chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy. “Dù số lượng bệnh nhân đến BV có giảm nhưng chỉ là giảm lượng bệnh nhân trung bình, bệnh nhẹ, bệnh nhân ngoại trú, còn bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu vẫn không giảm và bệnh viện tiếp nhận điều trị bình thường”, TS-BS Nguyễn Tri Thức thông tin.

Cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong mọi tình huống

Mới đây, một bệnh nhân tại Bình Dương tử vong sau khi bị các cơ sở y tế trên địa bàn từ chối cấp cứu khiến dư luận dậy sóng. Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết, Sở Y tế đã giao thanh tra sở thanh tra các cơ sở nói trên để có đánh giá cụ thể. Ngoài ra, sở cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế khác trong địa bàn tỉnh để đôn đốc, không để xảy ra các cơ sở y tế “đùn đẩy bệnh nhân”. Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu các cơ sở y tế không được từ chối bệnh nhân. Đối với bệnh nhân cấp cứu thì phải giữ bệnh nhân lại, sơ cấp cứu và thăm khám ban đầu, nếu bệnh nhân nặng vượt quá khả năng của cơ sở thì chuyển viện lên tuyến trên.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM còn diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 mới vẫn tiếp tục tăng, nhiều người dân tự đến các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 để khám và điều trị nhưng bệnh viện từ chối tiếp nhận. Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám, chữa bệnh và xét nghiệm tầm soát Covid-19 kịp thời, hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng do người bệnh phải di chuyển nhiều nơi, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu tại bệnh viện. Đồng thời, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, khẩn trương khám, đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu, tuyệt đối không làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh, thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19. 

“Tùy tình trạng người bệnh và kết quả xét nghiệm tầm soát Covid-19 mà quyết định việc hướng dẫn người bệnh tự theo dõi sức khỏe tại nhà, hay chuyển vào bệnh viện để được cách ly điều trị, hoặc chuyển tuyến điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh. Chúng tôi cũng chỉ đạo các bệnh viện chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, đảm bảo không để người bệnh diễn biến nặng hơn do phải chờ đợi lâu”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, các cơ sở y tế cần phân chia các vùng để hoạt động, trong đó “vùng xanh” dành cho bệnh nhân không phải Covid-19 và “vùng đỏ” dành cho bệnh nhân Covid-19. Riêng khu vực phòng khám ngoại trú có thêm “vùng vàng” dành cho nhóm bệnh nhân nghi ngờ, chờ kết quả xét nghiệm. Hiện tất cả nhân viên y tế đều được chủng ngừa, đều biết cách phòng hộ cho bản thân, được thử xét nghiệm Covid-19 mỗi tuần nên không nhất thiết cứ tiếp xúc F0 là phong tỏa khoa, bệnh viện hay cách ly toàn bộ nhân viên y tế nếu họ tuân thủ các biện pháp phòng hộ.

Tin cùng chuyên mục