Cấp bách gỡ nút thắt, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Ngày 3-10, tại TPHCM, chương trình tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19” được tổ chức với sự tham dự của các sở ban ngành, chuyên gia, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và các hội ngành nghề, đại diện doanh nghiệp tại TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì tọa đàm.

27.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, qua 2 lần khảo sát gần đây có đến 84% số doanh nghiệp (DN) cho biết rất khó khăn. Thậm chí, 44% số DN trong đó đang có nguy cơ phải rời bỏ thị trường vào cuối năm nay vì cạn kiệt nguồn vốn, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, thị trường bị thu hẹp và không còn khả năng trả lương cho công nhân. 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhiều DN cho rằng những gói chính sách hỗ trợ DN dù đã có, Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan thực hiện biện pháp cấp bách thời chiến để hỗ trợ DN, nhưng thực tế có tới 76% số DN được hỏi cho biết chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này. Chỉ có 10% số DN tiếp cận ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay... và chưa có DN nào được gói vay lãi suất 0%. Những gói cho vay vốn với lãi suất hỗ trợ, chỉ bó hẹp với những DN truyền thống; DN nhỏ và vừa hoặc DN mới gần như không được xem xét. Ngoài ra, những kiến nghị về việc ngân hàng nên cải thiện điều kiện cho vay như nới lỏng thủ tục hành chính, xem xét hình thức cho vay tín chấp, cho vay thông qua hình thức thẩm định phương án kinh doanh… cũng chưa được xem xét. 

Đại diện Công ty Việt Thắng Jeans chia sẻ, tính riêng quý 4-2020, các DN dệt may chỉ mới nhận được 50% đơn hàng. Thị trường xuất khẩu hàng dệt may chưa hồi phục, rất nhiều DN nhỏ phải ngưng sản xuất từ đầu năm đến nay. Số ít chuyển sang may khẩu trang, đồ bảo hộ nhưng giá trị gia tăng không cao và đang đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động. 

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước có 38.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính riêng tại TPHCM, có hơn 27.000 DN rời bỏ thị trường. Nhiều ngành sản xuất có nguy cơ tăng trưởng âm trong năm nay, chủ yếu các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, dệt may, da giày… Trong thời gian tới, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... sẽ khó phục hồi, nhu cầu tiêu dùng giảm. Điều này sẽ còn gây khó khăn kéo dài cho DN. 

Triển khai nhanh các gói hỗ trợ theo tình hình mới 

Hơn 10 ý kiến đại diện DN đồng loạt kiến nghị lãnh đạo TPHCM và Chính phủ sớm điều chỉnh những bất cập trong các chương trình, gói hỗ trợ vốn cho DN. Theo đó, nên chuyển gói vay trả lương cho công nhân (vốn đang không thực hiện hiệu quả vì chưa có DN nào tiếp cận được) thành hình thức cho DN vay cấp bù lãi suất. 

Riêng với gói chính sách hỗ trợ vốn, cần tách thành 2 gói chính sách khác nhau. Một là chính sách dành để “cấp cứu” những DN đã bị “kiệt sức” và đang “hấp hối”. Gói tài chính thứ 2 là đồng hành hỗ trợ DN chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi công nghệ số để nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất trong điều kiện mới. Trong đó, cần ưu tiên các đơn vị đầu ngành có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, phát triển chuỗi cung ứng nội địa. 

Đặc thù của DN trong nước là DN nhỏ và vừa, chiếm khoảng 90%. Và không phải DN nào cũng có tài sản thế chấp vay vốn. Do vậy, Chính phủ cần xây dựng quỹ bảo lãnh dành cho đối tượng trên. Song song đó, cần xem xét những kiến nghị của DN về việc giảm thuế thu nhập DN, thiết lập quỹ bảo lãnh tín dụng với sự tham gia của cơ quan chức năng; gia hạn thuế, giảm thuế VAT và tiền sử dụng đất có thời hạn. 

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ, cho rằng việc hỗ trợ vốn để gia tăng nội lực DN là giải pháp trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài, TPHCM cần hỗ trợ DN tái cơ cấu thị trường, chuyển đổi công nghệ sản xuất để phục hồi tăng trưởng trên nền chất lượng mới. 

Ghi nhận các kiến nghị trên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc quản lý DN hiện đang bị cắt khúc; không có đơn vị nào quản lý toàn diện một DN nên việc hỗ trợ không kịp thời, sát sườn. Để khắc phục tình trạng này, TPHCM đã thành lập Hội đồng kinh tế ngành, bao gồm các chuyên gia, cơ quan chức năng và cả doanh nghiệp đầu đàn. Hội đồng sẽ tham gia trực tiếp vào việc tham mưu chính sách hỗ trợ cũng như tháo gỡ những khó khăn cho cộng đồng DN. Ngay sau tọa đàm, TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp để gói hỗ trợ vốn đến nhanh, đến tận tay các DN. Riêng về vấn đề cải thủ tục hành chính, TPHCM đã giao Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM làm đầu mối xây dựng trang thông tin đánh giá về chất lượng phục vụ hành chính công. Đây sẽ là cơ sở để lãnh đạo TPHCM xem xét và xử lý trách nhiệm người đứng đầu sở ban ngành đã không thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực mình phụ trách.

Tạo mọi điều kiện để DN TPHCM hồi phục và tăng trưởng  

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ trân trọng trước sự đồng hành và ý kiến góp ý tâm huyết của cộng đồng DN đối với TPHCM về việc thực hiện “nhiệm vụ kép” trong trạng thái bình thường mới. Điều này càng thôi thúc chính quyền TPHCM phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn, làm nhiều hơn nữa cho cộng đồng DN TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong chia sẻ, lần đầu tiên, kinh tế TPHCM tăng trưởng dưới 1,2%; cũng lần đầu tiên TPHCM có trên 27.000 DN giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng. Điều này làm giảm doanh số hoạt động sản xuất - kinh doanh của TPHCM hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 1.300 DN lữ hành của TPHCM bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu. Nhiều DN phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt tác động, nhất là tình trạng thất nghiệp của người lao động. Điều này cho thấy sự tác động của dịch bệnh là rất lớn. Tuy nhiên, hiện có hơn 6.000 DN hoạt động trở lại; hơn 30.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 696.000 tỷ đồng, trong đó có 579 DN thành lập mới có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thực tiễn phát triển kinh tế cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã tạo nên luồng sinh khí mới, trở thành một động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế. TPHCM hiện có trên 438.000 DN, chiếm 32% cả nước, đóng góp 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TPHCM. DN là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Vì vậy, phục hồi kinh tế đối với TPHCM hiện nay, trước mắt là phải phục hồi hoạt động của DN. Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định sẽ tạo điều kiện hỗ trợ DN hoạt động tốt nhất trong thời gian tới. UBND TPHCM sẽ tập hợp các ý kiến, phản ánh của DN gửi đến Chính phủ; đồng thời có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp của TPHCM quan tâm để các DN có nhu cầu sẽ tiếp cận gói hỗ trợ một cách thuận lợi. 

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định, UBND TPHCM sẽ thực hiện các giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn, nhất là tăng cường liên kết để 438.000 DN tạo thành một khối thống nhất, trở thành nhân tố quan trọng phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, thủ tục thông thoáng là mong muốn và nỗ lực của TPHCM. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở KH-ĐT xem xét và có đề xuất bổ sung lĩnh vực chuyển đổi số và logistics vào chương trình hỗ trợ kích cầu của TPHCM.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Ba kiến nghị để phục hồi, thúc đẩy kinh tế TPHCM

Kiến nghị thứ nhất, TPHCM cần quyết liệt đồng hành, chia sẻ, rủi ro cùng DN để các gói hỗ trợ tới tay DN. Thứ hai, TPHCM đẩy mạnh kích cầu du lịch, mua sắm tiêu dùng. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cải thiện các điều kiện cho vay, có thể cho DN vay bằng cách thẩm định các nguồn thu dòng tiền, phương án kinh doanh, tín chấp... Ngoài ra, cần gia hạn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thêm 12 tháng. Khâu hỗ trợ đào tạo lại nhân lực của DN cũng cần có sự tiếp sức của TPHCM. Bên cạnh đó, TPHCM cần hỗ trợ triển khai chuyển đổi số trong cộng đồng DN. 

Về gói hỗ trợ tiếp theo, đề xuất ngân hàng mở rộng các điều kiện, giảm lãi suất cho vay; DN được vay nhiều hơn, lãi suất thấp hơn, điều kiện thuận lợi hơn. Đề xuất cơ quan quản lý nhà nước hạn chế kiểm tra, thanh tra trong đợt dịch này để DN ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM: Cần có sự phân loại trong chính sách hỗ trợ

Tính chung đến nay, một số ngành có kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng vẫn có những ngành vẫn duy trì tăng trưởng dương. Đơn cử như ngành sản xuất, chế biến gỗ, từ đầu năm đến nay, vẫn tăng trưởng ở mức dưới 10%. Đây là mức tăng trưởng không lớn nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, rất đáng ghi nhận. Thực tế này cho thấy, TPHCM cần có sự phân loại trong chính sách hỗ trợ DN. Theo đó, bên cạnh tháo gỡ vốn cho những DN đang gặp khó khăn nên tập trung giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường cho những lĩnh vực đang có cơ hội phát triển. 

Nhiều DN đang tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu vào châu Âu, Hoa Kỳ, nhất là với thị trường EU, để tranh thủ cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, trở ngại mà DN gặp phải là thiếu vốn để xúc tiến thương mại, quảng bá năng lực, sản phẩm của mình. Nếu đơn phương, DN tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng khó tránh khỏi những rủi ro về rào cản kỹ thuật, tranh chấp thương mại. Do vậy, rất cần TPHCM triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết hợp phổ biến đầy đủ những rào cản kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng của thị trường xuất khẩu để giúp DN chủ động trong sản xuất, rút ngắn khoảng cách thị trường, tăng thị phần xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục