Cấp bách gỡ khó cho xuất khẩu nếp ở ĐBSCL

Mặt hàng nếp tiêu thụ trong nước rất ít, phần lớn sản xuất để phục vụ xuất khẩu. Do đó, tỉnh Long An có văn bản gửi Bộ Công thương xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho xuất khẩu mặt hàng nếp không hạn chế số lượng, nhằm giải quyết lượng tồn kho cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện để nông dân tiếp tục tiêu thụ nếp với giá có lợi.

Chiều 18-4, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) cho biết: “Công ty của chúng tôi đã đóng khoảng 500 container, tương đương 12.500 tấn nếp từ hôm 20-3, nhưng mãi đến nay vẫn chưa thể xuất khẩu được. Thế là nhiều ngày qua công ty phải tốn kém chi phí bảo quản, lưu kho, lãi ngân hàng, vốn đã mua nguyên liệu nhưng tồn kho, nhà máy dừng hoạt động… Đặc biệt lo sợ khách hàng yêu cầu bồi thường và hủy hợp đồng do giao trễ. Công ty đứng trước nhiều khó khăn, nguy cơ thua lỗ nặng…”.

Theo ông Hòa, hàng chục năm nay, Dương Vũ là một trong những công ty xuất khẩu gạo nếp hàng đầu ở ĐBSCL, với sản lượng khoảng 220.000 tấn/năm. Công ty liên kết và bao tiêu gần 50.000 ha đất trồng nếp với nông dân Long An, An Giang… với giá thu mua cao hơn lúa từ 1.500- 2.000 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận khá cho nông dân. Tuy nhiên, gần đây Dương Vũ cũng như nhiều công ty chuyên về gạo nếp gặp khó khăn vì việc tạm dừng xuất khẩu.

Trước tình hình trên, Công ty TNHH Dương Vũ đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chức năng xem xét cho xuất khẩu gạo nếp trở lại, nhằm giúp doanh nghiệp giải phóng số lượng lớn tồn đọng tại cảng chờ xuất khẩu, giảm nguy cơ thiệt hại…

Cấp bách gỡ khó cho xuất khẩu nếp ở ĐBSCL ảnh 1 Sản lượng nếp tồn kho ở Long An còn khá lớn 

Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, lượng gạo nếp tồn kho của doanh nghiệp trong tỉnh hơn 56.000 tấn; trong khi mặt hàng nếp tiêu thụ trong nước rất ít, phần lớn sản xuất để phục vụ xuất khẩu. Do đó, tỉnh Long An có văn bản gửi Bộ Công thương xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho xuất khẩu mặt hàng nếp không hạn chế số lượng, nhằm giải quyết lượng tồn kho cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện để nông dân tiếp tục tiêu thụ nếp với giá có lợi.

Cùng với tinh thần trên, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy, Trường Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho biết: “Nông dân An Giang gieo sạ hàng năm hơn 115.000 ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000 ha lúa Japonica (hạt tròn) với sản lượng 75.000 tấn/năm. Mục tiêu sản xuất 2 sản phẩm trên để xuất khẩu (không dành tiêu thụ trong nước) và những năm qua nông dân cùng doanh nghiệp liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả. Vì vậy, tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được ưu tiên xuất khẩu nếp và các loại giống lúa Japonica”.

Cấp bách gỡ khó cho xuất khẩu nếp ở ĐBSCL ảnh 2 Mặt hàng nếp chủ yếu để xuất khẩu, việc tiêu thụ trong nước rất ít 

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, có công văn gửi Bộ Công thương về việc cho xuất khẩu nếp. Theo Bộ NN-PTNT, vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh Long An gieo trồng 65.000 ha nếp, sản lượng 430.000 tấn, tương đương 258.000 tấn gạo nếp; còn tỉnh An Giang sản xuất 44.000 ha nếp, sản lượng 325.000 tấn, tương đương 195.000 tấn gạo nếp…

Quan điểm của Bộ NN-PTNT là tiếp tục cho xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa vụ đông xuân 2019-2020; đồng thời đề nghị Bộ Công thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu thị trường để làm cơ sở điều tiết tỷ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo…

Trước đó, trong công văn gửi Bộ Công thương thì ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng có ý kiến về việc tiếp tục cho xuất khẩu đối với gạo nếp cùng mặt hàng gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm. 

Tin cùng chuyên mục