Cấp bách bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai

Hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang là nguồn cấp nước chủ yếu cho sinh hoạt của TPHCM (chiếm 94%), tuy nhiên quá trình đô thị hóa, khai thác nước ngầm quá mức, biến đổi khí hậu… đã tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của hệ thống sông này. Nếu không có các giải pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn nước, thì nguy cơ thiếu nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố sẽ đáng báo động. 
Sông Sài Gòn đoạn chảy qua quận 2 và quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO THĂNG
Sông Sài Gòn đoạn chảy qua quận 2 và quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO THĂNG

Mọi nguồn thải đều đổ ra sông Sài Gòn

TPHCM có hệ thống kênh rạch dày đặc, tuy nhiên phần lớn kênh rạch này đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt, sản xuất của thành phố phần lớn vẫn đang xả thẳng ra kênh rạch rồi chảy ra sông Sài Gòn. Đó là chưa kể dọc sông Sài Gòn đang có tình trạng san lấp, lấn chiếm nghiêm trọng để xây dựng cơ sở sản xuất, nhà ở, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nước bị suy giảm. Không dừng lại ở đó, tại phía thượng nguồn, các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước lại quy hoạch các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng với các khu đô thị, khu dân cư phát triển nhanh và ồ ạt dọc hệ thống sông, khiến mức độ ô nhiễm nguồn nước của sông Sài Gòn vượt xa tầm kiểm soát. 

Theo Sở Xây dựng TPHCM, dù cơ quan quản lý đã tăng cường nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng. Các chỉ tiêu như amoniac, hữu cơ, vi sinh, mangan... ngày càng tăng. Ngoài ra, nguồn nước sông đang chịu tác động lớn bởi đặc tính thời tiết, thủy văn và ảnh hưởng do biến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn và thiếu nước vào mùa khô.

Theo quy hoạch cấp nước đến năm 2025, nước thô được khai thác tập trung tại một số vị trí trên các dòng sông lớn như Hóa An trên sông Đồng Nai, Hòa Phú trên sông Sài Gòn. Tuy nhiên, quy hoạch chưa đề cập đầy đủ nguồn nước thay thế và các hạng mục công trình dự phòng, đảm bảo an toàn nguồn nước trong trường hợp bị sự cố hoặc ô nhiễm. Những yếu tố này sẽ gây mất an toàn cấp nước trong tương lai cho thành phố. Việc quản lý bảo vệ nguồn nước cần được xem xét một cách tổng thể, quyết liệt trên phạm vi liên tỉnh thành ở lưu vực. 

Nghiên cứu của Sở TN-MT TPHCM cũng cho thấy, quá trình đô thị hóa và phát triển của thành phố cùng với những tác động của biến đổi khí hậu đã khiến công tác quản lý nguồn nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như chất lượng nguồn nước có xu hướng xấu đi, cạn kiệt và ô nhiễm; khai thác nguồn nước một cách lãng phí; gia tăng sự rủi ro do nguồn nước gây ra.

Cụ thể, chất lượng nước của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ về dầu mỡ. Nước mặt khu vực sông Nhà Bè, Cần Giờ và chất lượng nước của các kênh rạch trên địa bàn thành phố cũng đang bị ô nhiễm vi sinh rất lớn. Cùng với nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm, thành phố cũng đang phải đối mặt với tình trạng nước ngầm bị khai thác quá mức với lưu lượng lớn. Việc này làm cho trữ lượng khai thác an toàn nhiều nơi bị cạn kiệt, gây mất cân bằng nước. 

Đồng bộ giải pháp 

Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và có sự đồng bộ từ các giải pháp đầu tư hạ tầng đến quản lý. Cơ quan chức năng cần duy trì việc kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất có nguồn nước thải, xử phạt nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm quy định về xả thải vào nguồn nước; khai thác và sử dụng nước ngầm một cách bền vững thay thế nước mặt vào thời điểm và khu vực thích hợp. 

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia TPHCM), thành phố cần có biện pháp trữ nước, bao gồm các hồ chứa nước, thu gom nước mưa, nước mặt đưa vào lòng đất để bổ cập nước ngầm, kèm theo giải pháp hạn chế bay hơi. Việc xây các hồ chứa nước này nên được kết nối vào các nhà máy nước hiện hữu, nhằm hỗ trợ cho việc phòng chống nhiễm mặn đỉnh điểm tại các vị trí lấy nước sông, đồng thời thực hiện chức năng điều tiết lũ. Do nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, trong khi nguồn cung cấp nước không theo kịp với nhu cầu gia tăng dân số, thành phố nên tận dụng và thu gom nguồn nước mưa. Nước mưa là nguồn nước sạch, việc thu trữ nước mưa là phương pháp đơn giản không chỉ làm giảm xói mòn, ngập úng mà còn giảm áp lực lên hệ thống nước ngầm.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết thời gian qua thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, như: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, tránh trường hợp đổ bỏ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường; phối hợp triển khai giải quyết điểm nóng ô nhiễm môi trường tại các khu vực giáp ranh; triển khai các hoạt động khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai...

Đặc biệt, để quản lý môi trường lưu vực sông của vùng giáp ranh liên tỉnh, TPHCM đã chủ động trao đổi và ký kết Quy chế phối hợp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TPHCM với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Lâm Đồng. Trên cơ sở quy chế được ký kết, Sở TN-MT TPHCM thực hiện kế hoạch cụ thể với từng địa phương, tạo thành mạng lưới chia sẻ thông tin, cũng như phối hợp xử lý các cơ sở xả thải vượt quy chuẩn tại khu vực giáp ranh.

Theo quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2025, nhu cầu sử dụng nước sạch tại thành phố được dự đoán sẽ tăng mạnh lên 3,7 triệu m3/ngày; tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 15%, tiêu chuẩn dùng nước là 180l/người/ngày. UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan xây dựng đề án và kế hoạch thực hiện các vấn đề: giải pháp cho nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch cho thành phố để đảm bảo an ninh nguồn nước; xây các bể chứa nước sạch lớn trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước để phục vụ điều tiết và dự phòng khi có sự cố; tối ưu hóa tỷ lệ thất thoát nước sạch; nâng cấp hệ thống cấp nước của thành phố để hướng tới việc cung cấp nước sạch uống được tại vòi. 

Tin cùng chuyên mục