“Cao niên kỹ thuật số” ở châu Á

Người cao tuổi ở châu Á sẵn sàng tiếp nhận công nghệ kỹ thuật số khi đối mặt với đại dịch Covid-19 hơn so với “các bạn già” của họ ở phương Tây. Đây là báo cáo vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, có trụ sở tại London, công bố.
Người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi cộng đồng ở Thượng Hải
Người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi cộng đồng ở Thượng Hải

Euromonitor International cho biết, trong số 10 xu hướng tiêu dùng toàn cầu năm 2022 nổi lên, có xu hướng ngày càng nhiều người cao tuổi ở châu Á chuyển sang sử dụng mạng xã hội, chơi trò chơi trực tuyến và các dịch vụ Internet khác trong thời gian ở nhà tránh đại dịch Covid-19. Khoảng một nửa số người được hỏi từ 60 tuổi trở lên sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết đã sử dụng Twitter nhiều lần trong ngày, so với 28% ở châu Âu và 36% ở Bắc Mỹ. Tỷ lệ này cũng tương tự với các phương tiện truyền thông xã hội khác. Khoảng 10% người cao tuổi được khảo sát trong khu vực cho biết họ có tai nghe thực tế ảo, một công cụ giúp họ khám phá vũ trụ ảo (metaverse). Tỷ lệ này cho cả Bắc Mỹ và châu Âu là khoảng 2%. 

Thống kê của Liên hiệp quốc cho thấy, trong khi phần lớn người cao tuổi ở châu Âu và Bắc Mỹ sống một mình hoặc chỉ với vợ/chồng của họ, nhiều hộ gia đình châu Á có từ 2 thế hệ trưởng thành trở lên hoặc một ông/bà sống với ít nhất một thế hệ khác. Việc phong tỏa và các hạn chế khác trong thời gian đại dịch đã giúp các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Người già ở châu Á đã có nhiều cơ hội hơn để học cách sử dụng các ứng dụng công nghệ và nền tảng truyền thông xã hội từ con cháu, những người đã lớn lên trong môi trường xem hoạt động trực tuyến là tiêu chuẩn sống hiện đại.

Theo Natasha Cazin, cố vấn nghiên cứu tại Euromonitor International, các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là những nền tảng cho phép chủ sở hữu nội dung tạo cộng đồng của riêng họ và đăng nội dung video, chẳng hạn như YouTube, WeChat và Instagram, được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến đối với người cao tuổi ở châu Á trong tương lai gần.

Thực tế cho thấy, một số người cao niên am tường về kỹ thuật số đã trở thành người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Ví dụ như, cặp vợ chồng ở độ tuổi 80 đang điều hành tiệm giặt là ở Đài Loan có khoảng 660.000 người theo dõi trên tài khoản Instagram có tên “WANTR SHOW as young”. Bức ảnh cụ ông và cụ bà mặc quần áo không có người nhận trong nhiều năm tại cửa hàng của họ với thông điệp “Đừng quên lấy đồ giặt của bạn” đã tạo ra một làn sóng trên mạng, thu hút một lượng lớn bình luận với một số mô tả cặp đôi này là “sành điệu và dễ thương”. Một người cao tuổi có ảnh hưởng khác là Park Mak-rye, với nickname là “Korea Grandma” trên YouTube, người có 1,35 triệu người đăng ký theo dõi kênh.

Tháng 10 năm ngoái, Taobao, một nền tảng mua sắm trực tuyến thuộc sở hữu và điều hành của tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Alibaba, bắt đầu cung cấp định dạng trang web “Senior Mode” (Chế độ người cao tuổi) với kích thước chữ cái lớn hơn và tìm kiếm bằng giọng nói. HKTV, một dịch vụ mua sắm trực tuyến có trụ sở tại Hồng Công, cũng đang cung cấp các ứng dụng được thiết kế cho những người cao tuổi không quen mua hàng qua Internet.

Theo ước tính của Euromonitor International, số người từ 65 tuổi trở lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2021-2040, lên đến 767 triệu người. Làn sóng “người cao niên kỹ thuật số” mới này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi năng động về cách thức mua sắm và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng lớn tuổi.

Tin cùng chuyên mục