Cạnh tranh tầm ảnh hưởng

Theo Sydney Morning Herald, trong năm nay, Chính phủ Australia sẽ phê duyệt khoảng 300 triệu AUD (240 triệu USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực Thái Bình Dương. 
Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja cho hay, Australia đang chuẩn bị những khoản đầu tư lớn và dự kiến sẽ được công bố trong vòng 12 tháng tới. Nguồn: InnovationAus
Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja cho hay, Australia đang chuẩn bị những khoản đầu tư lớn và dự kiến sẽ được công bố trong vòng 12 tháng tới. Nguồn: InnovationAus

Số tiền trên được cấp từ quỹ cơ sở hạ tầng dành cho khu vực Thái Bình Dương (AIFFP) trị giá 2 tỷ AUD (1,8 tỷ USD) của Canberra. Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja cho biết, chi tiết về các khoản đầu tư sẽ được công bố trong vòng 12 tháng tới.

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Australia ngày càng quan tâm đến việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trên phương diện ngoại giao, kinh tế ở Thái Bình Dương. Đây vốn là khu vực được coi như “sân sau” của Australia.

Hiện nay, Australia vẫn là nhà tài trợ lớn ở Thái Bình Dương nhưng Trung Quốc lại đứng đầu trong việc cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Đây vốn là chiến lược của Trung Quốc khi cho các quốc gia vay những khoản tiền lớn vượt ngoài sức chi trả, sau đó dùng chính những món nợ này để giành thế chủ động trong hoạt động chính trị và quân sự của khu vực.

Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2017, Trung Quốc cung cấp 37% tổng số các khoản cho vay của các nhà tài trợ cho khu vực Thái Bình Dương, với tổng giá trị khoảng 1,7 tỷ USD. Kể từ năm 2018, hoạt động cho vay của Trung Quốc bắt đầu giảm dần, nhưng nước này vẫn chủ động tìm kiếm thêm các dự án để tài trợ nhằm mang lại chỗ đứng trong khu vực cho các công ty của Trung Quốc.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc còn chuyển hướng sang quân sự. Cuối năm ngoái, Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ cấp vốn cho căn cứ hải quân mới trị giá 150 triệu USD tại miền Nam Papua New Guinea, quốc gia nằm “sát sườn” với Australia. Động thái này khiến dư luận lo ngại rằng mục tiêu của Bắc Kinh là thành lập căn cứ hải quân để đẩy mạnh chiến lược quân sự. 

Nhận thấy nguy cơ tầm ảnh hưởng bị giảm sút, Australia đã đẩy mạnh chính sách “Bước tiến Thái Bình Dương” từ năm 2018. Thông qua các khoản vay và tài trợ không hoàn lại từ AIFFP, Australia dự kiến đầu tư vào hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở các nước láng giềng bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, cơ sở viễn thông, giao thông và y tế.

Theo giới quan sát, chính sách này sẽ mang lại lợi thế về mặt ngoại giao cho Australia bởi những dự án đầu tư đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người dân. Việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng còn giúp các nước trong khu vực tránh phải vay nợ và đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tin cùng chuyên mục