Cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh

Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo không được bắt buộc thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16-9, và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30-9. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường đã thu tiền tạm ứng và thông báo thí sinh đến làm thủ tục nhập học từ đầu tháng 9. 
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM

“Cầm đèn chạy trước ô tô”

Ngày 29-4, chưa diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhưng Trường Đại học (ĐH) Quốc tế Sài Gòn đã gửi giấy báo đủ điều kiện xét trúng tuyển cho nhiều thí sinh. Cụ thể, thí sinh T.T.T.N (sinh ngày 16-9-2004, Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Bình Phước) đã nhận được giấy báo đủ điều kiện xét trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh (chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt). Đến ngày 26-8, nhà trường liên hệ với phụ huynh và thí sinh thông báo ngày 5-9 đến trường làm thủ tục nhập học. 

Trong lúc thí sinh đang nộp lệ phí xét tuyển thì ngày 26-8, Trường ĐH Phú Xuân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) công bố lịch tuần sinh hoạt công dân, trong thời gian từ ngày 5-9 đến ngày 9-9, dành cho tân sinh viên khóa 20 của trường. Nội dung của tuần sinh hoạt là nhằm giúp tân sinh viên nắm bắt các quy chế, chính sách, quy định đào tạo và công tác sinh viên, đồng thời trang bị kỹ năng cần thiết để thích nghi với môi trường đại học. Với thông tin này, rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường cảm thấy băn khoăn và lo lắng.  

Trước đó, từ ngày 2-6, Trường ĐH Gia Định đã gửi nhiều giấy báo trúng tuyển cho thí sinh. Thí sinh T.Đ.A. (tỉnh Bình Dương) nhận giấy báo với nội dung “giấy báo trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2022 - đợt nhập học sớm”. Theo đó, thí sinh T.Đ.A. được trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh, và trường mời thí sinh đến nhập học từ ngày 7-6 đến ngày 13-6 tại địa chỉ 185-187 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM. Học phí và các chi phí nhập học tổng cộng là 13.584.000 đồng. Ngoài ra, trường còn lưu ý “thí sinh tiến hành nhập học đúng thời gian ghi trên giấy báo trúng tuyển, quá thời gian này, trường sẽ dành chỉ tiêu cho những thí sinh khác”. 

Tương tự, hàng loạt trường khác như Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Hoa Sen… cũng gửi giấy báo trúng tuyển có điều kiện cho thí sinh xét tuyển bằng các phương thức điểm học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Nhiều trường còn yêu cầu thí sinh đóng học phí sớm để được giảm từ 2-5 triệu đồng. Chẳng hạn như thí sinh V.N.M.N., tốt nghiệp năm 2021 (Trường THPT Lê Trọng Tấn, TPHCM), sau khi nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành Kế toán Trường ĐH Công nghệ TPHCM thì ngày 9-7 đã tạm đóng học phí 10,03 triệu đồng. Sau đó, N. nhận được thông báo “chúc mừng bạn đã trở thành một trong số 2.000 thí sinh tạm đóng học phí học kỳ 1 (2022-2023) sớm nhất và được nhận ưu đãi học phí đặc biệt trị giá 5 triệu đồng”.

Cạnh tranh bằng chất lượng, hiệu quả

Mới đây, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) phát đi thông báo khẩn để cảnh báo về việc giả mạo giấy báo trúng tuyển của trường và yêu cầu thí sinh đóng học phí để nhận học bổng. Cụ thể, thí sinh V.H. nhận được email với nội dung: “Chúc mừng V.H nhận được học bổng thi đầu vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bạn đã có tên trong danh sách ứng viên nhận được học bổng năm 2022, được giảm 50% học phí cho 4 năm, cung cấp toàn bộ trang thiết bị cũng như dụng cụ học tập… Sau khi các bạn nhận được email này, xin phản hồi lại cho chúng tôi những thông tin quan trọng như sau: có đồng ý nhận học bổng hay không? cung cấp đầy đủ hồ sơ...”.

Cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh ảnh 1 Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Công nghệ TPHCM
Theo TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đây là những thông tin giả mạo. Cho đến nay, nhà trường thực hiện tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT và chưa gửi bất kỳ giấy báo trúng tuyển nào cho thí sinh. Trường cảnh báo như trên để thí sinh không bị lừa đảo. 

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng, việc nhiều trường “cầm đèn chạy trước ô tô”, gửi giấy báo trúng tuyển sớm và yêu cầu thí sinh nhập học sớm để được hưởng ưu đãi, học bổng… không chỉ gây nên sự hoang mang, lo lắng cho thí sinh mà còn làm mất đi uy tín của nhà trường. Tất cả các trường trên cả nước tuyển sinh theo lịch của Bộ GD-ĐT, nên cần phải tuân thủ “luật chơi” và cạnh tranh sòng phẳng.

Còn theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo giai đoạn 2016-2021, các trường cần tuân thủ quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Việc gửi giấy báo nhập học, yêu cầu đóng học phí trong khi thí sinh chưa đăng ký xét tuyển sẽ làm cho tình hình tuyển sinh năm nay thêm phần phức tạp, và người bị ảnh hưởng nhiều nhất là thí sinh. Việc cạnh tranh tuyển sinh phải minh bạch, sòng phẳng bằng chất lượng, hiệu quả chứ không phải giành giật thí sinh theo kiểu nhanh thì được, chậm thì mất.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, quy trình xét tuyển 

đợt 1 sẽ được thực hiện từ ngày 1-9 đến 17 giờ ngày 15-9. Các trường sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn, đồng thời thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 trước 17 giờ ngày 17-9. Sau khi có kết quả xét tuyển đợt 1, thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16-9, và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30-9.

Tin cùng chuyên mục