Cảnh sát khu vực, anh ở đâu ?

 Có những CSKV ngày ngày cũng xuống địa bàn dân cư nhưng chỉ là... xuống cho có. Anh không gặp dân, không tiếp xúc hay trò chuyện, sâu sát cùng dân. Chính vì đi như vậy nên trong mắt dân anh là người xa lạ.
Chị H. ở quận Gò Vấp (TPHCM) kể, gần đây ông hàng xóm thường xuyên dắt chó đến phóng uế trước nhà chị. Khi chồng chị H. có ý kiến, người này đã thách thức, hung hãn cầm thanh sắt dọa đánh mỗi khi vợ chồng chị đi về ngang qua nhà ông ta. Thấy cuộc sống quá bất an, chồng chị đã trình báo lên công an phường. Vị trưởng công an phường cho biết sẽ nói cảnh sát khu vực (CSKV) xuống giải quyết, nhưng chờ mãi vẫn không thấy anh CSKV đâu, trong khi hành vi hung hãn của ông hàng xóm ngày càng tăng. 
Chồng chị H. phải nhờ mối quan hệ thì những ngày sau đó mới thấy bóng dáng anh CSKV. Tuy nhiên, theo chị H. anh CSKV giải quyết vấn đề rất qua loa. “Anh ấy tới nhà hàng xóm của tôi hỏi có cầm thanh sắt đánh người ta không? Tất nhiên là ông ấy nói không. Vậy là anh ấy đi về vì cho rằng do không có bằng chứng ông kia cầm thanh sắt uy hiếp nên không thể xử lý”, chị H. bức xúc. Anh CSKV còn bày chị H. cách, đại khái như vợ chồng chị tìm cách “chọc tức” để ông hàng xóm điên tiết lên cầm thanh sắt chạy đến uy hiếp, khi đó chụp hình ghi lại làm bằng chứng, như vậy công an mới có cơ sở xử lý được!
Cũng liên quan đến CSKV, anh T. (nhà quận 7) rút kinh nghiệm nhiều lần lên công an phường tìm CSKV không gặp nên đã lưu số điện thoại để khi có việc thì hẹn. Nhưng nhiều lần, dù đã đặt lịch hẹn nhưng lên phường vẫn cứ nghe câu “anh ấy không có ở đây”. Điện thoại nhắc lại với CSKV về cuộc hẹn thì anh T. được nghe: “Nếu cần gấp thì ngồi chờ 2 tiếng nữa tôi về đến, còn không thì chịu khó mai lên tôi ký giấy cho”. 
Nhiệm vụ của CSKV là bám sát địa bàn, am hiểu cặn kẽ về cơ sở. Có những CSKV hàng ngày đều đi xuống địa bàn, đến từng nhà dân để trò chuyện, thăm hỏi cuộc sống người dân. Khi gặp trường hợp mất vệ sinh tại địa bàn, anh cũng lên tiếng nhắc nhở, có những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh tìm cách để hỗ trợ. Chính những việc làm ấy giúp hình ảnh anh CSKV càng được người dân tin yêu. Từ tin yêu trở thành tin tưởng nên khi có việc xích mích, bà con lại gọi CSKV để nhờ giải quyết và hình ảnh anh công an mặc áo màu xanh làm trung gian hòa giải đã giúp tình làng nghĩa xóm càng thêm khăng khít. Điều quan trọng, người dân xem CSKV như người nhà nên khi có những đối tượng đáng nghi thì đều báo cho anh biết, nhờ đó nhiều thành phần bất hảo có hành động phi pháp đã được kịp thời ngăn chặn. 
Thế nhưng, bên cạnh đó lại có những CSKV ngày ngày cũng xuống địa bàn dân cư nhưng chỉ là... xuống cho có. Anh không gặp dân, không tiếp xúc hay trò chuyện, sâu sát cùng dân. Chính vì đi như vậy nên trong mắt dân anh là người xa lạ. Thậm chí nhiều cư dân ở đây không biết tên anh, nhìn anh với cặp mắt e dè. Vì thế, khi có tâm tư, uẩn khúc, dân chẳng trình bày với anh, và tất nhiên cũng không trình báo với anh về các thành phần bất hảo đang trú ngụ hay đang dòm ngó địa bàn nơi anh quản lý. Bởi dân ngại, không biết anh CSKV có quyết liệt trấn áp tội phạm hay không.  
CSKV phải sống gần dân, hiểu rõ tâm tư người dân trên địa bàn mình phụ trách, có như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ và được dân tin yêu. Đừng để khi có sự việc xảy ra trên địa bàn, người dân phải tự hỏi: CSKV, anh ở đâu? 

Tin cùng chuyên mục