Cảnh sắc mới ở Đa Phước


Kể từ lúc Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19-10-2018 về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, nhiều địa phương đã tuyên truyền, triển khai đi vào cuộc sống.
Các tuyến đường được trồng hoa ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh
Các tuyến đường được trồng hoa ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh

Tại một số khu phố, xã phường, quận huyện đã có những cách làm hay, làm mới với sự chung tay, góp sức của cộng đồng để chỉnh trang bộ mặt khu dân cư, góp phần làm đẹp thêm phố phường.

Dọn rác, trồng hoa

Trở lại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) những ngày này, chúng tôi thật sững sờ trước sự đổi thay về cảnh sắc hai bên đường. Không chỉ các tuyến đường nội bộ xã được bê tông, trải nhựa theo chuẩn nông thôn mới, mà còn được trồng hoa, cây xanh thẳng hàng thẳng lối. Bà Nguyễn Thị Hai (tên thường gọi là bà Ba Lệ), cư ngụ đường 4C, cho biết: “Bao năm nay, bây giờ có đường nhựa, rác được thu gom, bà con mừng vui lắm. Người lớn không sợ vấp ngã, trẻ đến trường quần áo sạch tinh tươm”.

Tuyến đường 4C đi ngang nhà bà Ba Lệ không chỉ sạch mà còn ngập tràn màu hoa mười giờ, hoa Quỳnh Anh… Để tạo thêm “sức sống tươi vui” dọc các tuyến đường nông thôn, người dân ở các khu dân cư xã Đa Phước tự nguyện vận động cùng góp công, góp của mua hoa về trồng. Rồi cùng nhau bón phân, tưới nước và chăm sóc hàng ngày. Đường liên tổ 4 - 5, ấp 3 dài cả cây số vừa được bê tông hóa cách đây mấy tháng. Ngay sau khi hoàn thành, người dân đã tự nguyện trồng đủ loại giống hoa mười giờ. Ông Dương Văn Tài, 71 tuổi, nhà ở ngay đầu đường liên tổ, cho biết, ông và vợ tự nguyện ươm giống hoa rồi đem ra lề đường trồng, bà con trong xã cũng đến xin về trồng trên các tuyến đường, khu dân cư tạo cảnh quan, mảng xanh. 

Theo Chủ tịch UBND xã Đa Phước Trương Thoại Linh, ngay khi nhận được Chỉ thị 19-CT/TU, Đảng ủy - UBND xã Đa Phước đã xây dựng kế hoạch tập trung toàn bộ hệ thống chính trị, tổ chức xã hội tham gia làm vệ sinh tất cả các tuyến đường trong xã. Đồng thời vận động và phân công các đảng viên, đoàn thể, hội đoàn cho đến cán bộ ban nhân dân ấp cùng tham gia trồng hoa trên các tuyến đường. Từ 2 tuyến đường, hiệu ứng tích cực lan tỏa ra nhiều tuyến đường khác. Kể từ đó, tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch giảm hẳn, khu dân cư sạch đẹp hơn. Tính đến nay, chi bộ các ấp đã triển khai trồng hoa trên 7 tuyến đường và các tuyến đường khác cũng đang có kế hoạch thực hiện. 

Vì thành phố xanh, sạch, đẹp

Không chỉ xã Đa Phước, nhiều xã phường khác cũng đã triển khai Chỉ thị 19-CT/TU đi vào cuộc sống với sự tham gia của các đoàn thể, người dân các khu dân cư. 

Tại quận Gò Vấp, Hội LHPN quận đã phối hợp với với các ban ngành, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam và người dân thực hiện công trình “mảng tường xanh” tại tuyến đường Lương Ngọc Quyến (phường 5), đường Tú Mỡ (phường 7) và hẻm 142 đường Lê Lợi (phường 4). Những bức tường bị bôi bẩn được sơn sửa lại, tận dụng các loại chai lọ nhựa để trồng các loại cây xanh, tạo không gian trong lành.

Đoàn thanh niên phường 9 (quận Gò Vấp) cũng phối hợp với các bạn sinh viên trường Đại học Kinh tế TPHCM thực hiện vẽ trang trí, khoác lên một bộ áo mới cho bức tường bị bôi bẩn bởi vẽ bậy, dán tờ rơi quảng cáo tại trường Mầm non Hương Sen (đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp)… Các hoạt động mang tính chất cộng đồng này đã góp phần tạo nên cảnh quan sạch đẹp cho môi trường giáo dục, môi trường sống trong khu dân cư, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn nếp sống văn minh đô thị. Tại huyện Hóc Môn, thông tin tại hội nghị sơ kết phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Thanh Hòa cho biết, đến ngày 30-7, huyện có 82/87 (tỷ lệ 94%) khu phố - ấp được công  nhận “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”; toàn bộ 12/12 (tỷ lệ 100%) xã - thị trấn đạt tiêu chí “Xã không xả rác ra đường và kênh rạch”… 

Thực tế, với tinh thần “Vì thành phố xanh, sạch, đẹp”, nhiều địa phương đã quán triệt Chỉ thị 19-CT/TU đến tận từng khu phố, tổ dân phố, tạo nên một phong trào làm đẹp khu dân cư. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, một số địa bàn dân cư hiện vẫn còn tập trung nhiều bãi rác tự phát, nhiều tuyến kênh rạch chưa được nạo vét, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống dân cư và cảnh quan đô thị. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các quận huyện, phường xã cần quán triệt chỉ thị và tập trung thực hiện hơn nữa. Mặt khác, Thành ủy, UBND TPHCM cần kiểm tra, giám sát để kịp thời khen thưởng động viên địa phương làm tốt và quy trách nhiệm, xử lý nghiêm địa phương còn làm hình thức, chiếu lệ hoặc không triển khai.

Tin cùng chuyên mục