Cảnh giác với sức mạnh mềm

Dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Thủ tướng và nội các, Bộ Nội vụ và Cơ quan Tình báo an ninh Australia (ASIO) đang lập một danh sách các công nghệ và lĩnh vực nghiên cứu quan trọng cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp của nước ngoài nhằm ngăn chặn hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng vào các trường đại học trong nước. 
Đại học Sydney. Ảnh: Topuniversities
Đại học Sydney. Ảnh: Topuniversities

Các cơ quan an ninh Australia sẽ cung cấp cho các trường đại học một danh sách mở rộng những nghiên cứu quan trọng, các công nghệ mới cần được bảo vệ, tránh sự tiếp cận và hợp tác của nước ngoài. Đó là các công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm có khả năng được vũ khí hóa (sử dụng cho mục đích dân sự nhưng có thể có các ứng dụng quân sự), các công nghệ được coi là quan trọng đối với lợi ích quốc gia, công nghệ liên quan đến các khoáng chất quan trọng, công nghệ mang lại lợi ích kinh tế chiến lược cần được thương mại hóa. 

Nhận thức trong lĩnh vực giáo dục đại học của Australia về các nguy cơ can thiệp của nước ngoài gần đây đã thay đổi nhiều. Theo Tổng giám đốc ASIO Mike Burgess, quy mô can thiệp của nước ngoài vào các trường đại học cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh lạnh. Danh sách trên sẽ giúp các trường đại học, vốn đang phải đối mặt với sự can thiệp của nước ngoài ở quy mô chưa từng có trong vài chục năm qua, xác định các lĩnh vực nghiên cứu cần có biện pháp phòng ngừa an ninh nghiêm ngặt hơn. Tờ Sydney Morning Herald cho biết, Chính phủ Australia ngày càng lo ngại rằng các sáng kiến tuyển dụng nhân tài như Kế hoạch ngàn nhân tài của Bắc Kinh (tài trợ cho các nhà nghiên cứu) có thể tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ và các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng chính phủ có thể đi quá xa trong việc đối phó với các mối đe dọa can thiệp từ nước ngoài và vô hình trung làm ảnh hưởng tới việc khuyến khích các học giả hợp tác trong các nghiên cứu có giá trị. Thậm chí, nếu làm không khéo, đôi khi có thể gây ra tình trạng kỳ thị. 

Không chỉ Australia, mà ngày càng có nhiều nước trên thế giới đã cảnh giác với sự tiếp cận thường gọi là hợp tác hay trao đổi của Trung Quốc. Viện Khổng Tử của Trung Quốc (được thành lập ở nhiều nước trong hơn một thập niên qua để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc) hiện cũng đang bị tẩy chay tại nhiều nơi trên thế giới vì bị cho rằng, ngoài nguy cơ hoạt động gián điệp, đây còn là “công cụ quan trọng để Trung Quốc quảng bá hình ảnh và sức mạnh mềm của mình”, mà đối tượng tác động là giới trẻ.

Tin cùng chuyên mục