Cảnh giác những chiêu trò đầu cơ trục lợi

Những ngày gần đây, nhiều người dân huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) thi nhau hái trái và lá nhàu để bán. Thấy trái và lá nhàu bán được giá, nhiều người cũng đang lùng sục mua cây nhàu con để trồng, thậm chí thuê đất trồng cây nhàu giống để kinh doanh. 
Một cơ sở thu mua lá nhàu tươi ở miền Tây
Một cơ sở thu mua lá nhàu tươi ở miền Tây

Chưa biết đích xác là thương lái thu mua trái và lá nhàu với mục đích gì, nhưng qua những bài học đắt giá  liên tục lặp lại từ nhiều năm nay, khi thương lái thu mua những sản phẩm có tính “dị biệt”, thì người dân cũng nên đề phòng những chiêu trò đầu cơ trục lợi mà cuối cùng phần thiệt hại bao giờ cũng thuộc về người dân.

Ở miền Nam từ trước năm 1975, có lần thương lái đột nhiên thu mua chim cút với giá cao chưa từng thấy. Thế là nhiều người rủ nhau đầu tư nuôi chim cút, bọn đầu cơ bán cút giống bán được giá cao ngất ngưởng mà vẫn không đủ cung ứng. Nhưng khi chim cút đến tuổi xuất chuồng, thì chẳng thấy ai thu mua hoặc chỉ mua với giá rẻ mạt, khiến nhiều người đã bỏ vốn xây chuồng trại, đầu tư con giống bị sạt nghiệp. Sau năm 1975 thỉnh thoảng lại thấy thương lái ồ ạt thu mua với giá cao những thứ lạ đời chưa từng thấy trong sản phẩm nông nghiệp (như các vật nuôi nguy hiểm, quả còn non, phế phẩm không còn giá trị sử dụng).

Trước đó thương lái đã mua gom với giá rẻ để đầu cơ, rồi kích giá bằng cách rao thu mua giá cao. Thấy vậy, nhiều người bỏ nhiều tiền ra để mua rồi bán lại kiếm lời, nhưng rồi chẳng còn thấy ai thu mua. Những chiêu trò đó dẫn tới những hậu quả đáng sợ như tận diệt loài giống, gia tăng dịch bệnh, giảm năng suất cây trồng và vật nuôi. 

Ở tỉnh Bình Phước, thương lái đã thu mua những thứ sản phẩm lạ đời, như lá điều khô, thứ bỏ đi không ai thèm lấy. Thế là nhiều chủ vườn thi nhau phun thuốc diệt cỏ lên cây điều để có số lượng lá khô lớn và đồng loạt. Việc này tác hại đến sự sinh trưởng cây điều, hạn chế năng suất những năm sau. Đến khi người bán đã gom lá với số lượng lớn chờ thu mua thì không thấy thương lái nào đến mua nữa. Ở Phú Yên, thương lái mua thân cây sắn. Người dân đồng loạt chặt cây, năng suất mỗi người gần cả ngàn cây/ngày. Từng cánh đồng sắn bị tận diệt không thương tiếc. Ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ thì thương lái thu mua gốc và rễ cây tiêu. Ở miền Tây Nam bộ thì thương lái thu mua lá khoai lang còn non khi chưa thu hoạch củ.

Với vật nuôi thì thương lái tung tin thu mua móng trâu bò, thế là nhiều người giết trâu bán móng, khiến nông thôn mất đi sức kéo trong nông nghiệp, lại còn phát sinh bọn trộm trâu làm mất trật tự an toàn xã hội. Có lần thương lái thu mua đỉa ở TPHCM, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… nên nông dân rủ nhau nuôi đỉa. Khi đỉa được đầu tư nuôi rất nhiều thì thương lái biến mất, người nuôi bỏ mặc đỉa tràn ra cả đồng ruộng, ao vườn nhà, rất nguy hiểm. 

Những chiêu trò lừa gạt trục lợi này rất đơn giản, liên tục lặp lại, nhưng vì đánh trúng vào tâm lý hám lợi nên nhiều người dính bẫy. Thường thì bọn lừa đảo đầu cơ tích trữ sản phẩm rồi sau đó tạo ra một thị trường khan hiếm giả tạo, đẩy giá sản phẩm lên cao chót vót để chúng bán kiếm lời. Nói chung đây là những mánh khóe của những thương lái thiếu đạo đức, chỉ nhằm trục lợi bất chính. Sự cảnh giác của người dân đối với những thương vụ mua sản phẩm “độc, lạ” giá cao, thu lãi cao, là không thừa, nếu không muốn mình là nạn nhân.

Chính quyền địa phương nên hướng dẫn người dân canh tác nông nghiệp theo hướng căn cơ, bền vững như trồng cây gì, trồng bao nhiêu diện tích là vừa, trồng ở đâu; mặt khác, liên kết với cơ quan khoa học chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân, và thông tin để người dân cảnh giác tránh những cái bẫy mua sản phẩm “dị biệt” đầu cơ trục lợi bất chính. 

Tin cùng chuyên mục