Cảnh đời sau màn nhung

Sân khấu trao tặng cho khán giả những ánh hào quang rực rỡ, nhưng phía sau tấm màn nhung đỏ lộng lẫy là những số phận đời thực. Bất cứ ai khi biết, hiểu câu chuyện về những người sau ánh đèn sân khấu, hẳn không khỏi chạnh lòng…
Nhân viên hậu đài Sân khấu Kịch Hồng Vân chuyển cảnh trí trong một vở diễn
Nhân viên hậu đài Sân khấu Kịch Hồng Vân chuyển cảnh trí trong một vở diễn

Thu nhập ba cọc ba đồng

Anh Phan Minh Mẫn theo đuổi công việc hậu đài gần 30 năm, từng gắn bó với rạp Hưng Đạo, đoàn Huỳnh Long, đoàn Sài Gòn 1… Trong 16 năm qua, anh làm việc tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Công việc hậu đài sân khấu rất vất vả, nặng nhọc. Anh luôn là người đi sớm về trễ, đi trước về sau. Anh Mẫn chia sẻ: “Khi có vở diễn, sáng tôi đến nhà hát vác cảnh trí để sẵn; chiều có mặt sớm ráp cảnh; xong suất diễn, dọn cảnh xong về nhà cũng 1 - 2 giờ sáng. Nếu đi phục vụ quận huyện, tối hôm trước phải đến điểm diễn, ngủ lại, sáng ráp sân khấu, chiều tối nghệ sĩ diễn xong là tối khuya chuyển đồ về nhà hát. Lương hiện nay 3,5 triệu đồng/tháng, có vở diễn thì thêm khoảng 300.000 đồng/đêm/suất. Nhưng nhà hát không có nhiều suất diễn, vào mùa nghỉ dịch thì càng khó. Là trụ cột chính trong gia đình, lo cho mẹ bị tai biến, vợ và hai con, nên tôi cứ ráng bươn chải thêm nhiều việc làm thời vụ”. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hiện có 5 người làm hậu đài; ai cũng có nghề tay trái vì không thể sống được từ thu nhập ở nhà hát.

Trong khi đó, với 25 năm làm hậu đài ở Sân khấu Idecaf, anh Trần Văn Nhơn có thêm chút tiền trách nhiệm tổ trưởng. “Anh em hậu đài thường làm việc từ 18 - 24 giờ, lương cứng 2,3 triệu đồng/tháng, cộng thêm bồi dưỡng 270.000 đồng/suất diễn (một tháng có khoảng 15 suất). Tính tổng thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Thật ra, nguồn thu này chỉ là một phần, ai cũng phải kiếm việc làm thêm, có vậy mới lo nổi cho gia đình, nếu ôm sân khấu thôi thì thật sự sống không nổi”, anh Trần Văn Nhơn kể.

Cảnh đời sau màn nhung ảnh 1 Dàn nhạc của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang
Cũng giống như nhân viên hậu đài, đội ngũ nhạc công nghe có vẻ “sang” nhưng thu nhập cũng chẳng khá khẩm gì. Nhạc sĩ Hoàng Thành và ban nhạc của ông nhiều năm qua cộng tác thường xuyên với Đài Truyền hình TPHCM. Ban nhạc Hoàng Thành có 15 nhạc công, thường diễn trong các chương trình: Vầng trăng cổ nhạc, Ngân mãi chuông vàng, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, vở tuồng cải lương… Mỗi chương trình diễn thu hình, nhạc công nhận 1 - 1,5 triệu đồng/người. Thu hình đờn ca tài tử 500.000 đồng/người/chương trình. Nhưng Vầng trăng cổ nhạc, Ngân mãi chuông vàng mỗi tháng chỉ có 1 chương trình; cuộc thi Chuông vàng vọng cổ mỗi năm tổ chức 1 lần; các vở cải lương, đờn ca tài tử cũng không thu hình thường xuyên, vậy nên các anh em trong ban nhạc thường tất bật chạy thêm show đám tiệc, lễ cưới, dạy đàn… 

Nghệ sĩ Trần Ngọc Loan Thanh có hơn 10 năm làm việc ở Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, lương cũng chỉ 4,3 triệu đồng/tháng; khi đi diễn thì thêm tiền bồi dưỡng, tổng thu nhập chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng…

Thu nhập của anh em nghệ sĩ, công nhân hậu đài phụ thuộc rất lớn vào hoạt động tổ chức biểu diễn của các sân khấu. Nhưng từ nhiều năm qua, sân khấu cải lương, kịch nói, hát bội… đều hoạt động khó khăn, từ việc đầu tư tổ chức biểu diễn đến việc bán vé. Các đơn vị luôn ở trạng thái chờ diễn và chờ bù lỗ. Dù anh em nghệ sĩ tranh thủ kêu gọi khán giả mua vé trên các kênh thông tin, mạng xã hội, nhưng sự giảm sút khán giả vẫn xảy ra. 

Tháo gỡ chính là sự sẻ chia

Anh Hồ Văn Xinh, nhân viên hậu đài Sân khấu kịch Hồng Vân, cho biết, năm nay buồn nhất vì tết không được đi làm như mọi năm. Xưa theo sân khấu là có dư, giờ thu nhập không nhiều, lại thêm bệnh dịch khiến sân khấu phải đóng cửa, thu nhập càng ít hơn. “May mắn là dù khó khăn nhưng NSND Hồng Vân vẫn phát lương hỗ trợ anh em, Hội Sân khấu TPHCM cũng hỗ trợ 1 triệu đồng sau đợt dịch Covid-19 lần trước”, anh Xinh cho biết.

Để có thêm thu nhập, nghệ sĩ Loan Thanh tìm kiếm các công việc như múa show đám cưới, diễn kịch, đóng phim (vai quần chúng). Tuy nhiên, với tổng thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, gia đình chị luôn gặp khó khăn. Hiện chị đang ở nhà của ông ngoại, chăm sóc mẹ lớn tuổi và nuôi 2 cháu - gia đình của chị được xếp vào diện hộ nghèo. Chị Loan Thanh cho biết: “Tết năm 2020, gia đình nhận được một suất hỗ trợ hộ nghèo 2 triệu đồng và gạo; Tết 2021 nhận được một phần quà của NSND Kim Cương, gồm nhu yếu phẩm và 6 triệu đồng. Đây là sự hỗ trợ rất quý báu cho tôi và gia đình trong giai đoạn này”.

Sân khấu Thế Giới Trẻ hiện có hơn 10 người làm hậu đài. Một nửa anh em ăn lương tháng cộng thêm tiền bồi dưỡng theo suất, một số cộng tác theo suất diễn (200.000 đồng/suất). Đa số anh em đều làm 2 công việc/ngày. Trong mùa dịch, sân khấu cố gắng trả lương, hỗ trợ phần nào để anh em có chút thu nhập trang trải cuộc sống.

Nghệ sĩ kỳ cựu Thành Lộc từng chia sẻ, trong giai đoạn sân khấu tạm nghỉ vì dịch Covid-19, anh ít khi ra đường, vừa để phòng dịch, vừa để tiết kiệm chi tiêu. Khi xuất hiện dịch, sân khấu là nơi đóng cửa đầu tiên và là một trong những nơi mở cửa sau cùng, khi tình hình ổn định. Những anh em nghệ sĩ, hậu đài không nhan sắc, tiếng tăm thì làm đủ nghề để sống; có chút tên tuổi thì tham gia vào thị trường bán hàng online trên mạng xã hội…

Thời gian qua, một số đợt hỗ trợ giúp đỡ những nghệ sĩ lớn tuổi, các nghệ sĩ, công nhân có hoàn cảnh khó khăn của Sở VH-TT, Hội Sân khấu TPHCM, các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa, các mạnh thường quân, phần nào giúp giải tỏa nỗi lo toan của nghệ sĩ, anh em hậu đài. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn những người làm sân khấu, nghệ sĩ lão thành có hoàn cảnh khó khăn vẫn cần được hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn. Đợt dịch lần thứ nhất đã có 151 nghệ sĩ được TPHCM hỗ trợ với mức 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng 4-5-6. Tuy chỉ là số tiền nhỏ, không thấm tháp gì, nhưng các nghệ sĩ đều rưng rưng xúc động.

Không thể đợi các đợt “nghệ sĩ giúp nhau” hay những hỗ trợ từ chính quyền TPHCM, mà sân khấu cần phải sống tốt, có thêm suất diễn, có thêm khán giả thì mới mong những người vất vả sau tấm màn nhung gắn bó với nghề.

NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cho biết, nhà hát là đơn vị nghệ thuật tự hạch toán, tức là có biểu diễn, có khán giả thì mới có nguồn thu. Thế nhưng do dịch Covid-19, nhiều hợp đồng bị hủy bỏ, khán giả đến với sân khấu vốn đã ít lại càng ít hơn. Suốt năm 2020, việc cố gắng duy trì sân khấu đã rất khó; qua năm 2021, mọi việc hy vọng khá hơn, nhưng ngay đầu năm là mùa diễn mà nhiều hợp đồng đã bị hủy, khiến tình hình bi đát hơn. Những nghệ sĩ làm việc lâu năm, có biên chế còn được nhận lương cơ bản; những người còn lại hoàn toàn không có thu nhập. Trước dịch Covid-19, phần lớn nghệ sĩ đã duy trì nghề bằng rất nhiều nghề phụ, bởi lương nhà hát trả chưa bao giờ đủ để trang trải cuộc sống; nay, đến việc làm thêm cũng khó khăn...

                                                                                          MAI AN

Tin cùng chuyên mục