Canh cánh nỗi lo cháy nổ ở chung cư

Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza (quận 8) vào năm 2018, việc kiểm tra chất lượng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư rầm rộ triển khai. Nhưng đến nay, việc này dường như bị lơi lỏng ở nhiều chung cư mới và cũ trên địa bàn TPHCM. Mùa nắng nóng này, nguy cơ hỏa hoạn rất dễ xảy ra nếu ý thức và các biện pháp PCCC không được nâng cao, thực hiện thường xuyên, liên tục.

Lơ là với “bà hỏa”

Chung cư Trúc Giang (phường 13, quận 4) được xây dựng từ trước năm 1975, gồm 5 tầng, 123 căn hộ với hàng trăm người đang sinh sống. Chung cư này có kết quả kiểm định cấp D, thuộc diện nguy hiểm, cần di dời. Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ phần tường và khu vực cầu thang đã xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống báo cháy.

Còn khu cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) tình hình cũng không khá hơn. Anh T.T.H., ngụ tại nhà 040 lô 9 cư xá Thanh Đa, nói: “Ở cư xá này không có hệ thống PCCC, mỗi hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy mini đề phòng bất trắc. Cư xá cũng không hề có hệ thống báo cháy”.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại một số khu chung cư cũ trên địa bàn TPHCM, như chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), chung cư Ấn Quang, Ngô Gia Tự (quận 10), người đi đường dễ dàng nhìn thấy nhiều ban công phía sau được cơi nới và rào kín bằng lưới sắt. Do chung cư cũ và diện tích của mỗi căn hộ nhỏ nên nhiều người đã tận dụng nới khoảng không ở ban công phía sau làm nơi phơi quần áo, chứa đồ đạc và trồng rau; người khác rào lưới sắt để đề phòng trộm cắp. Tại các chung cư này, hệ thống điện và hệ thống PCCC đều đã xuống cấp quá mức, dây điện các loại đã cũ kỹ, đan xen chằng chịt bên ngoài. 

Nhiều chung cư mới xây dựng, công tác PCCC cũng khá lỏng lẻo. Chung cư Dreamhome Residence (phường 14, quận Gò Vấp) được đưa vào hoạt động hơn 3 năm. Chừng ấy thời gian, người dân sinh sống tại đây cũng rất hồi hộp.

Canh cánh nỗi lo cháy nổ ở chung cư ảnh 1 Rào sắt giăng đầy ở cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) gây nhiều trở ngại cho công tác PCCC. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Chị Lê Thanh Tuyền, cư dân chung cư Dreamhome Residence, cho biết, sự cố cháy ở chung cư Carina (quận 8) năm 2018 đã khiến cư dân sống ở đây vô cùng lo lắng và bức xúc khi hành lang PCCC của chung cư trở thành bãi đậu xe hơi lộ thiên cả ngày lẫn đêm. Nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa không thể chạy vô, khi ô tô đã đậu chiếm hơn nửa lối đi. 

Tăng cường kiểm tra

Thực tế, hầu hết người dân khi bỏ tiền tỷ cho các hợp đồng thuê, mua các căn hộ chung cư đều đặt niềm tin vào chủ đầu tư, thậm chí cả sinh mệnh của mình mà không hề thắc mắc hệ thống PCCC tòa nhà cao tầng đã được cấp phép, thẩm định hay chưa. Trong khi việc phối hợp, kiểm tra của ngành chức năng chưa thường xuyên, một số nơi còn tình trạng buông lỏng, nhất là thực trạng các công trình chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (PC07), Công an TPHCM, cho biết: Tại khoản 4, Điều 5 Luật PCCC quy định khá rõ trách nhiệm của Cảnh sát PCCC là hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy. UBND các cấp cũng có trách nhiệm PCCC tại địa phương, trong đó có công trình chung cư, chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê nhà cao tầng.

Pháp luật đã quy định, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC có nhiệm vụ thực hiện thẩm duyệt, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC của chủ đầu tư, chủ phương tiện đối với các dự án, công trình xây dựng. Thực tế, theo ghi nhận trên địa bàn TPHCM vẫn còn một số công trình chung cư, nhà cao tầng chưa qua thẩm duyệt, chưa đủ điều kiện PCCC, nhưng vẫn cho cư dân về ở. Chúng tôi đã phát hiện và đề nghị chủ đầu tư chấn chỉnh. Đối với các chung cư cũ, xây dựng hơn 40 năm, cán bộ quản lý PCCC cơ sở đã liên tục kiểm tra để hướng dẫn, yêu cầu ban quản lý chung cư khẩn trương khắc phục sơ sót trong các thiết bị, lối dẫn, dây dẫn điện”. 

Theo khoản 5, Điều 4 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02 ngày 15-2-2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định: Ban quản trị (BQT) chung cư thay mặt các chủ sở hữu, người đang sử dụng để thực hiện các quyền và trách nhiệm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật.

BQT có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã trong việc thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình liên quan đến quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư theo quy định; chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ các quy định trên, BQT chịu trách nhiệm khi xảy ra cháy nổ tại chung cư. Trường hợp chung cư chưa thành lập BQT thì chủ đầu tư thay mặt cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng thực hiện các quyền và trách nhiệm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đối với các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, hoạt động trong chung cư nếu để xảy ra cháy nổ thì chịu trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình.

Để công tác phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả, nhất là trong mùa khô, lãnh đạo PC07 khuyến cáo người dân đang sinh sống tại các chung cư nâng cao ý thức PCCC trong từng căn hộ, phổ biến cho các thành viên trong gia đình kỹ năng thoát hiểm.

Đặc biệt, mỗi căn hộ chung cư nên trang bị phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Ban quản lý các tòa chung cư, cao ốc văn phòng…phối hợp với các đội cảnh sát PCCC trên địa bàn tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ PCCC. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC được lắp đặt trong tòa nhà để đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt.

Tin cùng chuyên mục