Cảnh báo trẻ bị “loạn thần” vì miếng dán chống say tàu xe

Ít ai ngờ thủ phạm gây ra chứng của loạn thần là các miếng dán chống say tàu xe với các biểu hiện: trẻ bỗng dưng ngủ li bì, la hét, kích động dữ dội...
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM
Sau một hành trình dài đi chơi, du lịch, nhiều phụ huynh lo lắng đưa trẻ đến bệnh viện (BV) do trẻ bỗng dưng ngủ li bì, la hét, kích động dữ dội, nghi ngờ bị viêm não. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định, đó là triệu chứng của loạn thần mà thủ phạm gây ra ít ai ngờ tới. Đó là các miếng dán chống say tàu xe.
Trẻ la hét, mất tri giác 
Do có thành tích học tập tốt nên những ngày nghỉ hè vừa qua, bé L.T.B.T.,  (9 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) được bố mẹ thưởng một chuyến đi chơi xa. Sợ con bị say xe, trước khi đi, mẹ của bé mua miếng dán chống say xe dán vào sau tai của bé. Tuy nhiên sau chuyến đi trở về, bé bắt đầu mất nhận thức, có nhiều hành động bất thường, la hét, kích động, bò lồm cồm khắp nhà.
Quá lo sợ, gia đình đưa bé đến BV Nhi đồng 1 cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ cho biết, bệnh nhi bị loạn thần do dị ứng với chất scopolamine có trong miếng dán chống say tàu xe. Cũng rơi vào trường hợp tương tự, chị Bình Chi (quận Bình Thạnh) đến nay vẫn chưa hết lo sợ khi con trai 5 tuổi của chị đột nhiên rơi vào hôn mê, nói sảng trong chuyến du lịch của gia đình gần đây. Tức tốc đưa con vào BV Nhi đồng 2 cấp cứu, ban đầu con chị được chẩn đoán viêm não. Tuy nhiên, sau đó chị mới biết thủ phạm chính là miếng dán chống say tàu xe mà chị đã dán vào tai con trước đó.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, chính hoạt chất scopolamine có trong miếng dán chống say tàu xe là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng trên. Tùy vào cơ địa của từng trẻ, triệu chứng có thể là ngủ li bì suốt nhiều ngày, có thể có ảo giác, lú lẫn, loạn thần. Thậm chí, có trẻ còn la hét, kích động dữ dội, có nhiều hành động bất thường.
Do những biểu hiện này khá giống với triệu chứng của viêm não nên nhiều bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm. Thông thường, các triệu chứng này chỉ kéo dài trong khoảng 72 giờ, sau đó sẽ tự hết. Trung bình mỗi năm, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 10 trẻ được đưa đến điều trị do dùng miếng dán chống say tàu xe. Mùa hè thường tiếp nhận nhiều trẻ bị ngộ độc miếng dán chống say tàu xe nhiều hơn, bởi thời điểm này phụ huynh thường cho trẻ đi chơi xa, du lịch, về quê…
Còn theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên, nguyên giám định viên của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, scopolamine là một loại thuốc thuộc nhóm kháng cholinergic (thần kinh hệ phó giao cảm), có nhiều tác dụng trên cơ thể, bao gồm giảm sự tiết dịch, làm giảm sự co bóp dạ dày và nhu động ruột, giãn đồng tử chất. Chất scopolamine được sử dụng để làm giảm nôn mửa, chóng mặt, chống say tàu xe… Tuy nhiên, scopolamine có thể gây ra sự nhầm lẫn, kích động, lời nói lan man, ảo giác, hành vi hoang tưởng và ảo tưởng. 
Thận trọng khi sử dụng 
Do phổ biến và dễ sử dụng nên lâu nay miếng dán chống say tàu xe bán khá chạy. Tại các hiệu thuốc tây, người dân có thể hỏi mua miếng dán chống say tàu xe với giá chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng. Mặc dù hoạt chất scopolamine được Tổ chức Dược thế giới chống chỉ định dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, nhưng trên các loại miếng dán chống say tàu xe bán phổ biến ở Việt Nam hiện nay vẫn ghi có thể dùng cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, những tác dụng phụ thường gặp ở trẻ dưới 12 tuổi khi dùng miếng dán chống say tàu xe là hoảng loạn, gặp ác mộng, chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, rối loạn tâm thần, nói sảng. Dù các triệu chứng này có thể khỏi khi được điều trị nhưng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ, do đó tuyệt đối không nên dùng cho trẻ em. Không chỉ tác động lên trẻ em, có đến 10% người lớn cũng gặp các tác dụng phụ như hoa mắt, nôn nao khi sử dụng miếng dán chống say tàu xe.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo những người mắc bệnh gan, thận, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng sản phẩm này. Đặc biệt, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa 2 lần dán... để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải. Nên dán miếng dán trước khi khởi hành từ 4 - 6 giờ để thuốc thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng. Không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc.  Trong quá trình dùng miếng dán chống say xe, nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như hoa mắt, nhức đầu, ảo giác... thì phải ngưng sử dụng ngay. Sau khi sử dụng nên gỡ miếng dán ra khỏi tay, rửa tay kỹ để tránh hoạt chất scopolamine dính vào thức ăn, nước uống, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Để tránh say tàu xe, các bác sĩ cho biết có thể áp dụng một số biện pháp như không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, ngồi phía trước xe, chỗ không bị gió lùa. Không nên nhìn vào một điểm, đặc biệt tuyệt đối không đọc sách báo khi tàu xe đang di chuyển. Ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp dân gian như uống nước gừng, ngậm gừng, xoa gừng trước và trong quá trình ngồi tàu xe.

Tin cùng chuyên mục