Cảnh báo sử dụng “thần dược” thuốc cam

Tại Khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi Trung ương), gần đây liên tiếp tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị ngộ độc chì rất nặng do người lớn cho dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng.
Mặc dù cơ quan y tế đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc chì từ các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều gia đình có trẻ nhỏ vẫn tin tưởng thuốc cam như là một loại “thần dược” giúp cho trẻ tăng cân, mau lớn và chữa khỏi một số bệnh về lở loét miệng nên cho trẻ sử dụng bừa bãi, vô tội vạ.
Theo một số chuyên gia y tế, thuốc nam dùng bằng đường uống, bôi (được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi) thường có thành phần chì (hồng đơn). Đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ em, khi dùng các thuốc cam dạng bột hoặc viên có màu đỏ, vàng cam.
Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe, khi xâm nhập cơ thể, chì sẽ được hấp thu vào máu, từ đó phân tán vào các mô trong cơ thể, đặc biệt là xương, sau đó ngấm vào máu gây ngộ độc kéo dài. Khi trẻ bị ngộ độc chì cấp thường có biểu hiện hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, nôn, đau bụng, chán ăn.
Về lâu dài, trẻ giảm khả năng nghe, chậm phát triển về thần kinh nhận thức, tăng vận động và giảm tập trung.
Bác sĩ Đinh Thị Hồng, Khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi Trung ương), cho biết các trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc chì nếu được phát hiện điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu thì không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, những di chứng mà ngộ độc chì để lại rất khó xác định được vì bệnh nhi còn quá nhỏ.

Tin cùng chuyên mục