Cảnh báo lừa sinh viên đóng học phí

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, sinh viên các trường phải học trực tuyến và học phí đều thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng mạo danh liên hệ với sinh viên, nhất là tân sinh viên, để chuyển khoản đóng học phí hộ. Thậm chí, thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực (ĐGNL), khi làm thủ tục đăng ký bị trục trặc, cũng bị nhiều đối tượng liên hệ để trục lợi. 
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức hướng dẫn tân sinh viên phòng ngừa thông tin lừa đảo
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức hướng dẫn tân sinh viên phòng ngừa thông tin lừa đảo

Đủ kiểu lừa 

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa cảnh báo hiện tượng kẻ xấu lợi dụng việc thí sinh điền sai thông tin khi đăng ký dự thi ĐGNL để lừa đảo. Cụ thể, theo cảnh báo khẩn của Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay, một số đối tượng xấu đang lợi dụng, lừa thí sinh nộp tiền môi giới để sửa thông tin lỗi tại tài khoản đăng ký dự thi.

Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo: “Trung tâm không thu tiền hay nhờ bất cứ ai can thiệp vào hệ thống khaothi.vnu.edu.vn để sửa thông tin lỗi đăng ký của thí sinh”.

Thí sinh tuyệt đối không liên hệ trợ giúp với các đối tượng khác về kỳ thi ĐGNL. Trường hợp gặp khó khăn trong liên hệ với trung tâm khảo thí, thí sinh kiên nhẫn chờ một thời gian để cán bộ trung tâm hỗ trợ qua messenger, email, điện thoại, chứ không nhờ các nhóm luyện thi giả danh. 

GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trung tâm không tổ chức ôn luyện thi ĐGNL dưới mọi hình thức, nhưng hiện xuất hiện nhóm ôn luyện thi ĐGNL trên mạng xã hội sử dụng nhiều hình ảnh của Đại học Quốc gia Hà Nội để lôi kéo thí sinh.

Tương tự, nhiều tài khoản trên Facebook cũng mạo danh Đại học Quốc gia TPHCM để tổ chức ôn luyện và cung cấp cả đề thi ĐGNL tham khảo, lôi kéo thí sinh. Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, trung tâm không hề liên kết, hay hợp tác với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào để làm việc này. 

Đối với tân sinh viên trúng tuyển năm 2021, phải nhập học online, chuyển khoản học phí qua ngân hàng, cũng đang trở thành “mồi” ngắm của các đối tượng lừa đảo. Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, có một số tân sinh viên của trường bị dụ dỗ chuyển khoản đóng học phí hộ, thậm chí đối tượng lừa đảo còn mạo danh giám đốc ngân hàng lừa tiền học phí của tân sinh viên. Các đối tượng này đã liên hệ với tân sinh viên để dụ dỗ với nội dung “chuyển khoản cho chị, chị đóng học phí cho”. Nghiêm trọng hơn, có người còn mạo danh giám đốc ngân hàng gọi điện xác minh để khiến tân sinh viên dễ dàng tin tưởng. 

Tình trạng đáng báo động đến mức, mới đây, trên Fanpage của Trường Đại học Sài Gòn đã phải đăng rõ bài viết cảnh báo các tân sinh viên về tình trạng giả mạo nhà trường nhắn tin yêu cầu đóng học phí kỳ 1 năm học 2021-2022. Bài viết nêu rõ: “Hiện nay xuất hiện một đối tượng tham gia vào nhóm chat trên Facebook và Zalo của một khoa và sau đó nhắn tin cho các tân sinh viên khóa 21 về việc phải đóng học phí học kì 1 năm học 2021-2022 vào một số tài khoản cá nhân tên: Quách Cẩm Tú”.

Sinh viên phải thận trọng

TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing TPHCM, cho biết, vừa qua trường cũng nhận được phản ánh của sinh viên khi có cá nhân tự gửi email yêu cầu sinh viên chụp hình mặc đồ tắm. Trước thông tin này, nhà trường đã phát đi thông báo để cảnh báo với sinh viên toàn trường phải thận trọng trước những thông tin không chính thống. Tất cả thông tin của trường đến sinh viên đều thông qua các khoa, phòng ban hoặc gửi email thì đều dùng email của nhà trường. 

Trao đổi về thông tin mạo danh đóng học phí hộ cho tân sinh viên, đại diện Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đều khẳng định, đây là những thông tin lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của sinh viên. Do đó, khi thu học phí hoặc bất kỳ khoản tiền nào của sinh viên, nhà trường sẽ ban hành văn bản lên các kênh thông tin chính thống, ghi cụ thể số tài khoản của trường. Vì vậy, để tránh bị lừa đảo, sinh viên không giao dịch tiền đóng học phí với bên thứ 3. 

Khi đóng học phí, phải chuyển khoản trực tiếp đến số tài khoản ngân hàng thông qua hình thức internet banking hoặc tại phòng giao dịch của ngân hàng theo thông tin mà nhà trường đã thông báo. Ngoài ra, tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản và thông tin cá nhân cho những người không quen biết. Nhân viên ngân hàng và cán bộ, nhân viên của trường sẽ không chủ động liên hệ với tân sinh viên để hỗ trợ đóng học phí. Vì vậy, hãy chú ý đề cao cảnh giác đối với những đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ, nhân viên của trường đề nghị hỗ trợ đóng học phí.

Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, hiện nay rất nhiều “bẫy” đang rình rập sinh viên, đặc biệt là với tân sinh viên, như lừa đảo đa cấp, vay nặng lãi. Vì vậy, hãy thật tỉnh táo trước những chiêu trò này. Để trang bị “bức tường lửa” trước những cái bẫy, các bạn sinh viên và tân sinh viên hãy quan tâm tới những câu lạc bộ ở các trường đại học, vì đây sẽ là môi trường tốt nhất để sinh viên sinh hoạt, nắm bắt nhiều thông tin chính thống và bổ ích.

Đa cấp biến tướng tìm cách “vây” sinh viên

Th.S Phạm Thái Sơn lưu ý tân sinh viên, hiện nay, trong mùa tân sinh viên học tập trung, một số đối tượng đã mở các lớp học trực tuyến, lôi kéo tân sinh viên tham gia dưới danh nghĩa các khóa kỹ năng mềm, đầu tư làm giàu, tìm kiếm việc làm...

Với bề ngoài rất lịch sự, họ tiếp cận và dùng chiêu kinh doanh và khoe “bảng lương”, kiếm hàng trăm triệu đồng/tháng, mời tham gia. Là thành viên của họ, bạn phải nộp một số tiền để mua sản phẩm với giá “trên trời”, không đúng với giá trị thực tế của nó. Bạn không có tiền thì họ cho vay hoặc bạn phải đi vay nặng lãi, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, mất khả năng chi trả, học hành cũng bê trễ theo.

“Các bạn phải tuyệt đối không tò mò đến dự các buổi hội nghị khách hàng, các lớp đào tạo kỹ năng mềm tại các khách sạn, khu thương mại sầm uất và khi có vấn đề không may, cần trao đổi ngay với lãnh đạo trường để được hỗ trợ kịp thời”, Th.S Phạm Thái Sơn lưu ý.

Tin cùng chuyên mục