Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc giảm nhiệt

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-12 (giờ Washington) đã chấp thuận thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, làm lóe lên hy vọng về việc chấm dứt xung đột thương mại kéo dài 21 tháng giữa hai nước. Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu lập tức phản ứng tích cực.

Thỏa thuận bước đầu

Washington Post dẫn lời ông Michael Pillsbury, chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Hudson cho biết trong một cuộc họp tại Nhà Trắng với các cố vấn thương mại hàng đầu, Tổng thống Mỹ đã ký kết văn bản giảm thuế của Mỹ để đổi lấy việc Trung Quốc chi 50 tỷ USD mua hàng nông sản Mỹ, thắt chặt bảo vệ sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính. Một quan chức chính quyền cấp cao giấu tên đã xác nhận thông tin của ông Pillsbury.

Theo ông Pillsbury và các nguồn tin đáng tin cậy, thỏa thuận này bao gồm các điều khoản sẽ xử phạt Chính phủ Trung Quốc nếu họ không đặt hàng nông sản Mỹ như đã hứa. Nếu thỏa thuận này được công bố, Mỹ sẽ ngừng áp thuế mới với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-12 và thuế quan hiện tại 25% đối với hàng nhập khẩu 360 tỷ USD của Trung Quốc cũng sẽ được giảm khoảng một nửa.

Tuy nhiên, đây chỉ là một thỏa thuận giai đoạn 1. Các vấn đề lớn hai bên vẫn chưa giải quyết xong và cần thêm các cuộc đàm phán trong tương lai, dự kiến bắt đầu vào năm 2020 và thậm chí sẽ tiếp tục sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2020. Theo nguồn tin của CNN, ông Robert E. Lighthizer, Trưởng đại diện thương mại của Mỹ và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai có thể ký thỏa thuận nói trên vào ngày 13-12 (giờ Washington). Ngoài ra, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin có thể tới Bắc Kinh để ký kết. Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành của Phòng Thương mại Mỹ, cho biết thỏa thuận này sẽ có lợi cho các nhà sản xuất và nông dân Mỹ. Đây chỉ là một bước đầu tiên và còn nhiều việc phải làm.

Phản ứng tích cực từ TTCK

Thông tin về thỏa thuận thương mại bước đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến TTCK toàn cầu tăng cao. Chỉ số Dow Jones tại Mỹ đã tăng hơn 300 điểm, tương đương khoảng 1%, S & P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới. TTCK châu Á cũng đã tăng vào ngày 13-12 với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,3% trong khi Hang Seng của Hồng Công tăng 2%, Kospi của Hàn Quốc (KOSPI) tăng 1,3%, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,2%.

“Đó là một điểm khởi đầu tốt”, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant nhận định sau cuộc gặp với các quan chức Nhà Trắng. Theo báo chí Mỹ, một thỏa thuận về thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ mang lại chiến thắng cho ông Donald Trump, người đang chịu áp lực chính trị với cuộc luận tội của ông đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ. Ông Donald Trump đã đăng Twitter rằng Mỹ và Trung Quốc “rất” gần với một thỏa thuận.

Nhưng bà Jennifer Hillman, một thành viên cao cấp tại Hội đồng quan hệ đối ngoại và là một cựu quan chức thương mại Mỹ, viết trên Twitter: “Điều này không nên được mô tả như một thỏa thuận thương mại”. Theo bà, “đó chỉ là một thỏa thuận mua bán và hầu như chưa giải quyết các mối quan ngại thực sự của Mỹ với các hoạt động thương mại của Trung Quốc”. Mỹ vẫn cáo buộc Trung Quốc trợ cấp không công bằng cho các công ty của mình và đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ mang lại cho Trung Quốc một lợi thế không công bằng.

Điều đó có nghĩa là cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Lợi thế của Washington đối với Trung Quốc luôn là áp thuế. Theo các nhà phân tích, đây là công cụ duy nhất mà ông Donald Trump có nên ông chưa thể dễ dàng từ bỏ khi chưa đạt được mục tiêu. Chính vì vậy, theo ông Stephen Innes, một chiến lược gia thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty Nghiên cứu thị trường Axi Trader thì giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán thương mại có thể “phức tạp hơn”.

Tin cùng chuyên mục