Căng thẳng mùa lịch 2022

Dưới tác động của dịch Covid-19, mùa lịch năm Nhâm Dần 2022 khởi động muộn hơn so với các năm trước. Thời điểm này, không khí mua bán lịch tại các cửa hàng ở TPHCM vẫn còn khá im ắng. Có lẽ, chưa mùa lịch nào lại đặt ra cho những đơn vị sản xuất nhiều khó khăn như mùa lịch năm nay.
Mặc dù đã giữa tháng 10, nhưng lượng khách hàng tìm mua lịch năm 2022 vẫn còn thưa thớt
Mặc dù đã giữa tháng 10, nhưng lượng khách hàng tìm mua lịch năm 2022 vẫn còn thưa thớt

Cố gắng ở mức cao nhất 

Treo lịch ngày xuân là một nét đẹp văn hóa có từ lâu ở mỗi gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự ra đời và phát triển của công nghệ, việc xem ngày tháng không còn phụ thuộc quá nhiều vào các loại lịch. Chị Như Trân (ngụ phường 10, quận Gò Vấp) cho biết, bản thân chị mấy năm nay không còn nhu cầu treo lịch, bởi nếu cần xem ngày thì mở điện thoại hoặc mở app, cần xem ngày âm lịch thì vào Google tra cứu lịch vạn niên.

Tuy nhiên, vì mẹ chị lớn tuổi nên vào những ngày cuối năm, chị Như Trân vẫn mua lịch bloc treo trong nhà để mẹ thuận tiện xem ngày. “Tôi cho rằng, các nhà sản xuất nên tìm hiểu thị hiếu của người mua, ngoài hình ảnh đẹp còn cần thêm những nội dung thiết thực, để ngoài việc xem ngày, người ta có thể xem và vận dụng nội dung trên đó. Tôi nhớ trước đây có một bộ lịch được thiết kế khổ lớn, trên đó có các món ăn và cách nấu, 365 ngày là 365 món ăn khác nhau. Những nội dung như vậy thực sự rất hữu ích và thú vị”, chị Như Trân chia sẻ. 

Không phải dân làm lịch không biết vấn đề này. Những năm gần đây, lịch xuân, nhất là lịch bloc luôn đón bắt các xu hướng thiết kế mới, được in với công nghệ hiện đại. Đặc biệt, yếu tố nội dung trên mỗi bộ lịch cũng được các đơn vị chăm chút, đôi khi còn bám sát với đời sống. Chẳng hạn, lấy cảm hứng từ những ngày cả nước chống chọi với dịch Covid-19, năm nay Công ty TNHH An Hảo có bộ lịch bloc Rực rỡ Việt Nam tái hiện hình ảnh một đất nước kiên cường, đoàn kết chung tay, lá lành đùm lá rách, chạy đua từng phút từng giây để đẩy lùi khó khăn, hướng về tương lai phía trước. Ngoài ra, đơn vị này còn có bộ lịch Tinh hoa Việt Nam, giới thiệu về đất nước với bề dày lịch sử và văn hóa, là cái nôi sản sinh rất nhiều sản vật, hình thành nên các lễ hội, làng nghề truyền thống gắn với tên đất, tên làng.

Tiếp tục phát huy thế mạnh của một đơn vị làm lịch lâu năm, Nhà sách Quang Bình (Công ty Văn hóa Hương Trang) mang đến nhiều mẫu mã với những chủ đề khác nhau. Đáng chú ý có bộ lịch bloc siêu cực đại đặc biệt Quê hương, giới thiệu những khung cảnh đẹp trên khắp mọi miền đất nước. Cùng chung đề tài, Công ty sách Thời Đại cũng có bộ lịch bloc Khung trời Việt, hoặc bộ lịch bloc siêu cực đại Cuộc sống xanh, như một cách truyền cảm hứng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhất là sau đại dịch Covid-19… 

Thông thường, vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9, các đơn vị đã phải xong công việc in ấn đối với lịch bloc, để kịp phát hành ra thị trường ngay sau đó. Tuy nhiên, năm nay dưới tác động của dịch Covid-19, lộ trình đó đã không còn nữa, bởi đó cũng là thời gian TPHCM và một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Phải đến ngày 1-10, khi có quyết định nới lỏng giãn cách, các đơn vị mới bắt tay vào hoàn thiện các công đoạn sau cùng. Chính vì lẽ đó, có thể nói, mùa lịch năm 2022 khởi động muộn hơn so với mọi năm.

Chỉ mong thu hồi vốn

Trước rất nhiều khó khăn đang bủa vây, giải pháp an toàn được giới làm lịch áp dụng lúc này chính là giảm số lượng mẫu và số lượng in. Năm nay, Công ty sách Thời Đại giảm hơn 40% mẫu lịch. Số lượng in của từng mẫu vẫn giữ như năm ngoái, nhưng đến thời điểm này, đơn vị này mới chỉ đạt 70% năng suất. Công ty An Hảo cũng tương tự khi số lượng in giảm 50% so với mùa lịch năm 2021, lượng phát hành giảm 30% (khách hàng thường xuyên), lượng mua của khách hàng còn lại cũng giảm khoảng 40% so với cùng thời điểm mùa lịch năm 2021. “Tình hình sản xuất rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là thiếu lao động”, đại diện Công ty An Hảo cho biết.

Theo chia sẻ của chị Lại Thị Yến, đại diện Nhà sách Quang Bình, đến giữa tháng 10, công ty mới chỉ sản xuất được 50% mẫu mã, khoảng 80% sản lượng, không dám chạy hết vì sợ nguyên vật liệu về không kịp, cũng như không đáp ứng về thời gian sản xuất. “Thêm vào đó, các cơ quan, doanh nghiệp cũng đang khó khăn. Rất có thể năm nay nhu cầu mua lịch sẽ giảm, hoặc là sau khi ổn định tình hình thị trường, khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ tính đến việc mua lịch để tặng đối tác và nhân viên. Có điều, đến lúc đó, các đơn vị sẽ không sản xuất thêm nữa, vì sản xuất không kịp, dẫn đến nguy cơ bị thiếu lịch”, chị Lại Thị Yến cho biết. 

Hơn 30 năm theo đuổi công việc làm lịch xuân, bà Võ Thị Kiều Hạnh, Giám đốc Công ty Sách Thời Đại cho rằng, đây là năm tồi tệ nhất. Thời điểm hiện tại, công ty của bà Hạnh đã sản xuất được 70% năng suất, 30% còn lại vẫn phải chờ tình hình của thị trường. “Nếu tình hình thị trường khả quan thì chúng tôi sẽ làm hết phần còn lại vì vốn đã bỏ ra rồi, giấy phép cũng đã xin rồi. Trường hợp thị trường yếu quá đành phải bỏ luôn phần đó. Tất cả bây giờ vẫn phải trông chờ vào thị trường thôi. Tôi chỉ mong mùa lịch năm nay lấy lại vốn là mừng rồi, nếu trời thương có chút lời để bù qua trả lương cho mọi người”, bà Võ Thị Kiều Hạnh chia sẻ. 

Theo tìm hiểu, giá lịch (gồm lịch bloc, treo tường, để bàn…) vẫn giữ nguyên như mọi năm, dao động từ 30.000 - 750.000 đồng/bloc. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất tăng, đặc biệt giá giấy tăng khoảng 20% so với năm ngoái, cộng thêm số lượng in ít nên năm nay mức chiết khấu cho người tiêu dùng sẽ không cao như các năm trước.

Bà Võ Thị Kiều Hạnh tâm sự: “Cho đến ngày 1-10, thực sự tôi thấy mọi thứ vẫn còn rất mông lung, không biết tình hình có khả quan hay không, bởi dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Nhưng vì công việc của mình, vì cuộc sống của bản thân và rất nhiều người trong công ty nên phải cố gắng ở mức cao nhất, phải suy nghĩ tích cực hơn. Dù chưa biết hiệu quả như thế nào và thị trường năm nay không giống như trước, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm”. 

Tin cùng chuyên mục