Căng thẳng cuộc chiến thương mại

Ngày 7-7, một ngày sau khi Washington và Bắc Kinh áp thuế bổ sung 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu của nhau trị giá 34 tỷ USD, giới chức Mỹ cho biết Washington đang xem xét thực hiện vòng 2 các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh vào tháng 8. 
Thị trường chứng khoán Bắc Kinh phản ứng trước thông tin Mỹ áp thuế ngày 6-7
Thị trường chứng khoán Bắc Kinh phản ứng trước thông tin Mỹ áp thuế ngày 6-7
Theo truyền thông Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự kiến áp thuế bổ sung 25% trị giá 16 tỷ USD đối với 284 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc - một động thái có khả năng sẽ khiến Bắc Kinh tiếp tục đáp trả hơn nữa.

Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường

Đáp lại, ngày 7-7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc vẫn kiên trì con đường cải cách và mở cửa các thị trường, mở cửa hơn nữa đối với các hàng hóa nước ngoài, đồng thời duy trì vững chắc thương mại tự do nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững.

Cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể hiện thiện chí khởi động đàm phán giải quyết căng thẳng thương mại hiện nay. Ông Lý Khắc Cường khẳng định cuộc chiến thương mại chưa bao giờ là một giải pháp và sẽ không bên nào chiến thắng. Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới việc Washington áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước đó, ngày 6-7, Tổng hội Thương mại chung Trung Quốc tại Mỹ (CGCC), một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn tại Mỹ và có trụ sở tại thành phố New York, khẳng định tranh cãi thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể được giải quyết “thông qua đối thoại và đàm phán”. CGCC gồm 1.500 doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, trong đó các công ty của Trung Quốc đầu tư tổng cộng hơn 120 tỷ USD vào Mỹ, trực tiếp tuyển dụng hơn 200.000 lao động địa phương và sử dụng gián tiếp hơn một triệu người trên toàn nước Mỹ.

Nga có thể trả đũa Mỹ đầy đủ trong 3 năm

Ngày 7-7, Moscow thông báo tăng thuế từ 25% lên 40% một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, đáp trả động thái áp thuế quan của Washington lên thép và nhôm Nga.

Russia Today dẫn lời Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maksim Oreshkin cho biết biện pháp thuế quan đặc biệt này áp dụng cho một số loại máy móc xây dựng đường bộ, thiết bị dầu khí, công cụ khoan đá và kim loại cùng sợi quang. Tuy nhiên, Nga có quyền áp thuế quan lên các mặt hàng khác vì biện pháp thuế quan đáp trả không bao gồm khoản lỗ 537,6 triệu USD vì thuế quan nhôm, thép của Mỹ.

Hiện tại, các mức thuế quan cao hơn của Nga chỉ phục hồi một phần thiệt hại là 87,6 triệu USD. Đây là khoản bù đắp mà Nga có quyền đánh thuế mà không cần có quyết định của WTO, theo quy tắc của tổ chức này. Nga đang chờ quyết định từ WTO về việc liệu các biện pháp của Mỹ có tuân thủ quy tắc thương mại của tổ chức này hay không. Nếu WTO phán quyết rằng thuế quan của Mỹ là bất hợp pháp, Nga sẽ thu thêm thuế trên 450 triệu USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và Nga có thể trả đũa đầy đủ trong ba năm. 

Hôm 1-6, Mỹ áp thuế quan nhôm (10%) và thép (25%) lên một số nước cung cấp lớn trên toàn cầu vì lý do an ninh quốc gia. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Mỹ theo chủ nghĩa bảo hộ, đe dọa trả đũa bằng cách áp thuế ngược lại Mỹ.

Theo giới phân tích, lịch sử và thực tế hiện nay đã chứng minh một điều đơn giản là không ai thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Tất cả các bên có thể đổi mới và hưởng lợi nhiều hơn chỉ bằng cách thông qua tăng cường thương mại và các trao đổi về ý tưởng, hàng hóa và dịch vụ trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới với các đòn “ăn miếng, trả miếng” có thể kéo dài và tác động mạnh tới tình hình kinh tế mỗi  nước cũng như thương mại toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục