Càng cấm, càng làm

Trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ, cứ cách vài mét lại có một biển cấm chạy xe vào khu vực quảng trường, cấm đậu xe trên lòng đường - vỉa hè, cấm bán hàng rong. 

Nhưng thực tế là người ta đậu xe ngay biển cấm, có hàng rong bày tới 20 chiếc ghế dọc phố đi bộ. Càng về khuya, những xe bán hàng ăn uống xuất hiện càng nhiều, chạy xe vào phía trước Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thản nhiên “hạ trại”. Nếu không biết trước đây là phố đi bộ, có lẽ du khách sẽ nghĩ đây là một con phố ẩm thực xô bồ nào đó. Cứ thế, người ta vô tư ăn uống, buôn bán, đậu xe tràn lan tới khuya mà không có bất kỳ ai nhắc nhở.

Ở nhiều con đường trên khắp thành phố, không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân đổ rác ngay dưới chân biển cấm đổ rác, buôn bán họp chợ ngay bên cạnh tấm biển cấm họp chợ tự phát. Những dòng chữ cảnh báo dường như bị phớt lờ. Những bịch rác lớn nhỏ đè lên cả dòng chữ to trên nắp cống “Đừng để rác ở đây, rác làm nghẹt cống gây ngập nước”.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao chính những nơi cấm lại là nơi xảy ra nhiều vi phạm? Có thể những bãi đổ rác tự phát, hay việc buôn bán lấn chiếm đã xảy ra từ trước, sau đó chính quyền tới đặt biển cấm. Cũng có nơi như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động đã quy định rõ không được buôn bán hàng rong. Nhưng điểm chung của tất cả những việc này là những biển cấm đã bị phớt lờ, không hề có tác dụng, không cải thiện được tình trạng vi phạm.

Nguyên nhân là do việc thực thi những quy định không nghiêm và không loại trừ việc thỏa hiệp để những việc đó mặc nhiên xảy ra. Những tấm biển cấm khi đó trở thành biểu tượng của sự trái ngược giữa thực tế và các quy định; được người dân nêu lên như bằng chứng của sự thiếu trách nhiệm, bất lực của chính quyền.

Nói rộng ra, không chỉ những tấm biển cấm đặt ngoài đường, ngoài chợ, mà những quy định của pháp luật một khi đã đưa ra đều cần phải thực hiện thật nghiêm. Chúng ta vẫn thường nghe đến nguyên nhân “ý thức của một bộ phận người dân còn thấp”.

Nhưng thực tế, yếu tố đầu tiên để điều chỉnh hành vi của xã hội chính là những quy định chặt chẽ, đủ tính răn đe và được thực thi nghiêm ngặt. Vừa tuyên truyền, giáo dục vận động, vừa chế tài nghiêm khắc những vi phạm, đó mới là cách làm chuyển biến bộ mặt đô thị. Còn dựng lên tấm biển, đưa ra quy định rồi để đó, thì chỉ khiến tình hình ngày một xấu đi. Bởi người có ý thức nhìn thấy mà ngán ngẩm, mất niềm tin, còn người thiếu ý thức thì cứ mặc nhiên tiếp tục hành vi xấu của mình.

Tin cùng chuyên mục