Cẩn trọng với mỹ phẩm kém chất lượng

Dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, xử phạt, song vì lợi nhuận cao nên việc buôn bán mỹ phẩm kém chất lượng vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều nơi, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. 
Mỹ phẩm kém chất lượng vẫn được chào bán tràn lan
Mỹ phẩm kém chất lượng vẫn được chào bán tràn lan

Tràn lan mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng 

Đầu tháng 9 vừa qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc đối với 2 lô mỹ phẩm kem dưỡng trắng da ngăn ngừa nám Life linh chi New Today và kem bôi da Yousee do Công ty cổ phần Mỹ phẩm Bảo Xinh (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) sản xuất, cơ sở Ngân Anh chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Nguyên nhân đình chỉ lưu hành được xác định là do kết quả kiểm nghiệm mẫu thử có chứa Methyl paraben, Propyl paraben trong thành phần sản phẩm, không thống nhất với thành phần công thức sản phẩm đã công bố tại phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 28/18/CBMP-HGi.

Trước đó, vào tháng 6 năm nay, Cục Quản lý dược cũng đã có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 4 sản phẩm mỹ phẩm Magic Hair Serum, bọt rửa phụ khoa Navirento, sản phẩm trị chấy Jecogo, sữa tắm dầu tràm Organic Cajeput Baby Wash. Theo văn bản này thì sản phẩm Magic Hair Serum do Công ty cổ phần Dược phẩm Phúc Lâm (Bắc Ninh) sản xuất; Công ty cổ phần Dược phẩm Vạn Xuân Đường (Hà Nội) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, công dụng sản phẩm ghi trên nhãn không phù hợp với tính năng sản phẩm mỹ phẩm (“giúp mọc tóc nhanh”). Các sản phẩm còn lại cũng đều ghi công dụng trên sản phẩm không phù hợp với tính năng thực tế của nó…

Không chỉ sản xuất, lưu hành công khai những sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng mà trên thị trường, nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh, nhất là các website bán online, đã ngang nhiên buôn bán mỹ phẩm giả các thương hiệu quốc tế và Việt Nam như Lancome, Yves Saint Laurent, Kielh’s, Giorgio Armani, Ralph Laurent, 3CE… Như chia sẻ từ L’Oreal Việt Nam, các sản phẩm làm giả đội lốt hàng xách tay này có bao bì đóng gói giống hàng thật, khó phân biệt khi cầm sản phẩm quan sát bên ngoài và chỉ phát hiện là hàng giả khi mở sản phẩm kiểm tra hoặc sử dụng. 

Tại TPHCM, theo thống kê từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 1.000 vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm sai phạm, thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm mỹ phẩm các loại. Những con số trên cho thấy việc buôn bán và kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng vẫn diễn ra phổ biến. Dù các lực lượng chức năng đã có nhiều hình thức kiểm tra, xử phạt, nhưng vì lợi nhuận thu lại cao nên các đối tượng vẫn bất chấp để kinh doanh. 

Cẩn trọng khi mua sắm

Khảo sát tại các chợ như Bến Thành, Bà Chiểu, Bàn Cờ…cho thấy có rất nhiều quầy kinh doanh bán đủ thương hiệu trong nước hay hàng nhập khẩu nổi tiếng của Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu. Đáng nói, nhiều loại mỹ phẩm bày bán không có tem nhãn của nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng. Cá biệt, có bộ sản phẩm giá chưa đến 350.000 đồng nhưng có đầy đủ son, kem nền, phấn, kem trắng da, kem chống nắng, trong khi sản phẩm chính hãng phải đắt gấp 10 lần.

Theo lực lượng quản lý thị trường TPHCM, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái mỹ phẩm tràn lan trên thị trường, thời gian tới đơn vị này sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Bên cạnh đó sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện việc cấp phép, quản lý các cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi chờ Nhà nước có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử phạt các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm kém chất lượng, các chuyên gia da liễu cảnh báo: Người mua không nên sử dụng mỹ phẩm khi chỉ nhìn qua lời quảng cáo, giá tiền mà không chú ý đến tác hại của các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, những sản phẩm làm đẹp cấp tốc thường có những chất làm hại cho da như corticoid, hay các chất tẩy trắng rất độc. Nếu người dùng không biết sẽ gây ra tác hại khó lường, thậm chí để lại biến chứng rất nguy hiểm.

Như khuyến cáo của Sở Y tế TPHCM với người tiêu dùng, trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, dù cao cấp hay bình dân, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc; không nên dùng các loại mỹ phẩm truyền miệng, tự pha chế, không có nguồn gốc, không nhãn hiệu trôi nổi trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục