Cẩn trọng với mạng xã hội

Hai năm trở lại đây, mạng xã hội (MXH) trở thành công cụ đắc lực trong việc chuyển tải thông tin, ghi nhận ý kiến đa chiều của phụ huynh, học sinh về các hoạt động giáo dục trong nhà trường. 

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, MXH đang bị tận dụng làm công cụ đấu tố, thể hiện tiếng nói cá nhân của một bộ phận phụ huynh.

Hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra trong trường học thời gian gần đây đều liên quan đến MXH, như phụ huynh livestream, quay video clip đe dọa giáo viên, học sinh đánh nhau do mâu thuẫn từ bình luận trên MXH. Đáng nói là trong nhiều sự việc, mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm khi các đoạn video clip đăng tải nhận về hàng trăm lời bình luận, phán xét từ cộng đồng mạng.

Người viết từng chứng kiến một giáo viên có ý định nộp đơn xin nghỉ việc do không chịu nổi áp lực từ phụ huynh trong lớp, khi một số lời nói của cô được học sinh quay clip đưa lên MXH. Ở mức độ lớn hơn, nhiều học sinh cho biết cảm thấy xấu hổ do bị bạn bè trêu ghẹo khi tên trường hoặc lớp các em đang theo học bị bêu riếu trên MXH, dù bản thân các em không liên quan đến sự việc đó. Các đoạn clip không chuyển tải đầy đủ thông tin đa chiều từ các phía có liên quan, bị cắt ghép theo ý đồ riêng của người đăng tải càng gây ảnh hưởng đến lòng tự trọng, danh dự của giáo viên, học sinh.

Mới đây, tại hội nghị chuyên môn triển khai các hoạt động giáo dục đối với bậc trung học, ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng, mỗi cá nhân cần hết sức cẩn trọng với các thông tin được đăng tải, không lấy đó làm chuẩn mực cư xử trong nhà trường, tránh bình luận, phán xét sự việc theo số đông. Hiện nay, nhiều trường THCS và THPT đã quan tâm tổ chức các chuyên đề học tập như “Sử dụng MXH sao cho phù hợp”, “Văn hóa giao tiếp và ứng xử trong nhà trường”…

Song, nỗ lực từ một phía trường học thôi chưa đủ, mà cần sự chung tay hợp tác của phụ huynh trong việc giáo dục học sinh kỹ năng sử dụng MXH phù hợp độ tuổi, qua đó giúp các em bình tĩnh, sáng suốt, có sức đề kháng với các thông tin tiêu cực trên MXH. Cùng với đó, trường học cần có nhiều giải pháp xây dựng môi trường học đường thân thiện, giàu tính nhân văn để tuyên truyền lối sống tích cực cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục