Cẩn trọng nợ xấu ngân hàng

Báo cáo tài chính quý 3-2020 của các ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, hơn 2/3 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận khá tốt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đối mặt với dịch Covid-19. Thế nhưng, nợ xấu trong 9 tháng đầu năm của phần lớn các ngân hàng bắt đầu tăng nhanh.
Giao dịch tại ngân hàng Nam Á. Ảnh: CAO THĂNG
Giao dịch tại ngân hàng Nam Á. Ảnh: CAO THĂNG

Nợ xấu tăng vì dịch Covid-19

Thống kê báo cáo tài chính quý 3-2020 của các NHTM cho thấy, nợ xấu tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm. Tổng hợp từ 16 ngân hàng (trừ 2 NHTM SeABank và NBC có nợ xấu giảm) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2020 cho thấy, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức hơn 49.600 tỷ, tăng gần 12.000 tỷ so với đầu năm, tăng 31%. Đáng lưu ý là nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở nhiều ngân hàng tăng mạnh, có ngân hàng tăng gấp 3 - 4 lần so với cuối năm 2019. 

Cụ thể, nợ xấu tại Vietcombank tăng 36% so với đầu năm, với gần 7.885 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 4,2 lần lên 2.923 tỷ đồng và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gần 3 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,79% cuối năm 2019 lên 1,01%. TPBank có nợ xấu tăng 59% với 1.971 tỷ đồng, chiếm 1,79% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng. Sacombank cũng có nợ xấu tăng 19% lên 6.837 tỷ đồng. Nợ xấu của ACB đến cuối tháng 9 là 2.480 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB cũng tăng từ 0,54% lên 0,84%. Nợ xấu của MBBank cũng tăng hơn 39% lên 4.036 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5%. 

Không chỉ các NHTM lớn và trung, nhiều NHTM nhỏ cũng có nợ xấu tăng mạnh. Kienlongbank có nợ xấu tăng 6,5 lần so với đầu năm 2020, lên 2.241 tỷ đồng. Nợ xấu của VietBank tăng 61%, lên 867 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 1,32% lên 2,03%. Nợ xấu của MSB tăng 31% lên 1.703 tỷ đồng. Nợ xấu VIB tăng 26%. LienVietPostBank có tổng nợ xấu đến cuối quý 3-2020 là 2.611 tỷ đồng, tăng 29%...

Tại buổi buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, lý giải việc có 14/16 NHTM (tại thời điểm họp báo - PV) công bố kết quả kinh doanh trong quý 3-2020 nợ xấu tăng 30%, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế khiến người vay tiền ngân hàng gặp khó, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu tăng. Phó Thống đốc NHNN cũng nhìn nhận, nếu dịch tiếp tục gây khó khăn cho DN, thương mại quốc tế, dịch vụ nhiều khả năng sẽ làm nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên thời gian tới. 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020 là điều không ngạc nhiên. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ ở Việt Nam nợ xấu mới tăng mạnh, mà đây là thực trạng chung của thế giới. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần phải nhìn nhận, tình hình nợ xấu năm 2020 rõ ràng tệ hơn năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng nên các ngân hàng cần phải cẩn trọng. 

* TS Cấn Văn Lực chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV: Nợ xấu tăng, lợi nhuận ngân hàng năm 2020 sẽ giảm 

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên 3% năm 2020 và 4% năm 2021. Khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, bên cạnh các biện pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay... Như vậy sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Theo đó, ước tính lợi nhuận toàn ngành sẽ giảm 20%-25% trong năm 2020.

Lãi vì “nhìn lỗ đếm cua”?

Trong báo cáo tài chính quý 3-2020, nợ xấu tăng nhưng phần lớn các NHTM đều công bố lãi. Cuối quý 3-2020, nhiều ngân hàng đã gần và thậm chí cán đích lợi nhuận theo kế hoạch năm như SaigonBank, MSB, LienVietPostBank. Các NHTM khác cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tốt, mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 18 NHTM đã công bố báo cáo tài chính khoảng 10%. Trong đó, không ít NHTM có lợi nhuận 2 con số như: SeABank tăng 65,8%; MSB tăng 56,6%; VPBank tăng 30,5%; VIB tăng 38,1%; TPB tăng 25,7%; ACB tăng 15,3%.

Giải thích về hiện tượng này, nhiều chuyên gia nhận định, đây chỉ là động thái kỹ thuật, gồm cả “lãi dự thu” hoặc “chi phí dự phòng rủi ro” vào lợi nhuận. Có ngân hàng ghi nhận lãi dự thu tăng đột biến. Chẳng hạn như VietBank có lãi dự thu 9 tháng tăng 50% lên mức 2.406 tỷ đồng, lãi dự thu tại VietABank tăng 47%, lên mức 4.596 tỷ đồng, LienVietPostBank tăng 41% lên mức 6.024 tỷ đồng, TPBank cũng tăng 39% lên 1.821 tỷ đồng… Lãi dự thu, nói nôm na là số tiền lãi mới chỉ thấy trên giấy, thực tế ngân hàng chưa thu được. Gộp lãi dự thu vào lợi nhuận, giống như kiểu ông bà ta hay ví von “nhìn lỗ đếm cua”. 

Hành động gộp này, theo phân tích của nhiều chuyên gia, rất nguy hiểm. TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, lãi dự thu là con dao hai lưỡi, nếu không thu được mà cứ hạch toán làm lợi nhuận thì đến lúc cũng phải thoái lãi dự thu. Nó làm cho con số lợi nhuận ngân hàng đẹp hơn nhưng không thực chất. Với cách tính trên, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2020 vẫn sẽ tốt vì nợ xấu chưa bộc lộ hết. Tuy nhiên, tình hình sẽ rõ hơn vào năm 2021, khi việc thu lãi dự thu sẽ đi vào thực chất - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 

Chưa hết, các ngân hàng lãi lớn chưa mạnh tay trích lập quỹ dự phòng. Khi tiền đưa vào quỹ dự phòng ít thì lợi nhuận vì thế cũng ít bị khấu trừ. Thực tế cho thấy, với các NHTM tăng trích lập quỹ dự phòng thì lợi nhuận giảm đáng kể. Đơn cử, báo cáo tài chính quý 3-2020 của Vietcombank cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt 4.983 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 3.996 tỷ đồng, giảm 20,9%. Nguyên nhân là nguồn thu chính giảm, do thu nhập lãi thuần và thu từ hoạt động dịch vụ lần lượt giảm 1,5% và 1,6%, tương ứng 8.723 tỷ đồng và 1.257 tỷ đồng. Trong khi, chi phí hoạt động tăng 9,5% lên 4.579 tỷ đồng, chi phí dự phòng tăng mạnh hơn, ở mức 34,7% lên 2.025 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đạt 15.965 tỷ đồng, giảm 9,4% với cùng kỳ. 

Tương tự, lợi nhuận trước thuế quý 3-2020 của Sacombank giảm 12,9% so với cùng kỳ 2019, đạt hơn 897 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận còn lại là 716 tỷ đồng, giảm 7,2%. Chính việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro đã dẫn tới sụt giảm lợi nhuận. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro lên tới hơn 1.287 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sacombank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng tới 69,5% so với cùng kỳ nên 9 tháng đầu năm, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.325 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ.

Tin cùng chuyên mục