Cẩn trọng khi cách tân

Chưa khi nào phong trào phục dựng, phỏng dựng cổ phục Việt lại rầm rộ như thời gian vừa qua. Điều đáng mừng hơn, rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ cuối 8X, 9X đã tham gia vào công việc này. Nhưng, đó chưa bao giờ là công việc dễ dàng.  

Đặt nền móng cho phong trào phục dựng, phỏng dựng các trang phục cổ rất bài bản, chuyên nghiệp và dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng phải kể đến: Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Ỷ Vân Hiên… Giai đoạn đầu, những mẫu áo Nhật Bình dành cho hoàng hậu, cung tần, công chúa… khi được ra mắt đã gây sốt trong giới cổ phong. Bước chuyển sang giai đoạn 2 cách đây vài năm, phong trào này được ví như “trăm hoa đua nở” với rất nhiều thương hiệu mới: V’style - Việt cổ phục cách tân, Hoa niên - Năm tháng tươi đẹp, Great Vietnam, Dynasty Fashion, Thủy Trung Nguyệt... Xu hướng này cũng là tất yếu khi nhu cầu may, thuê trang phục cổ trong những dịp đặc biệt như: Lễ tết, cưới hỏi, tốt nghiệp… tăng cao. Ở giai đoạn này, một số đơn vị vẫn giữ đúng tôn chỉ, chất liệu, phom dáng nhưng cũng không ít chạy theo lợi nhuận, hào nhoáng, phù phiếm và gọi đó là cách tân. Cuộc cạnh tranh này đã và đang diễn ra nảy lửa.   

Mới đây, trong talkshow bàn về Việt phục có tên “Quốc túy y thường”, anh Tôn Thất Minh Khôi, sáng lập trang Thiên Nam lịch đại hậu phi, cho rằng muốn cách tân Việt phục phải dựa trên nghiên cứu, có tâm và chỉn chu. Các trang phục chỉ được gọi là cách tân khi vẫn giữ nguyên phom dáng, mẫu mã nhưng có thay đổi nhất định về phối màu, xử lý hoa văn và cách thể hiện phù hợp với nhãn quan hiện đại. Còn theo anh Ngô Lê Duy, người sáng lập thương hiệu Hoa niên - Năm tháng tươi đẹp, cách tân là điều tất yếu nhưng nếu trang phục đó không mang dấu ấn lịch sử nào thì chỉ nên gọi là thiết kế mới lấy cảm hứng từ cổ phục. 

Thực tế hiện nay có một điều khá đáng mừng hầu hết các thương hiệu về Việt phục đều do các thành viên cuối 8X, 9X sáng lập. Rất nhiều người trẻ cũng ý thức về bài toán bản sắc Việt ở đâu trong quá trình hội nhập toàn cầu như hiện nay. Và tất yếu, họ đã có những hành động thiết thực.  

Cổ phục Việt không chỉ đơn thuần có áo dài. Chúng ta tự hào khi cũng có áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, áo đối khâm, áo trực lĩnh... Từ câu chuyện cách tân áo dài với rất nhiều mẫu mã từng gây tranh cãi đặt ra bài toán chung, sự sáng tạo là cần thiết nhưng phải có chừng mực và nằm trong giới hạn nhất định. Không thể phủ nhận cổ phục Việt ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, có rất nhiều bằng chứng rõ ràng để khẳng định nét riêng của người Việt trên mỗi loại trang phục. Khi cổ phục Việt dần được đón nhận nhiều hơn, sự cách tân càng nên cẩn trọng, không quá xa rời nguyên mẫu bởi đó cũng là cách trân trọng quá khứ, lịch sử của người trẻ.

Tin cùng chuyên mục