Cần trao quyền cho người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 6-7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo “Kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết, việc xác định vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất; chưa bảo đảm được yêu cầu về sự tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chưa bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát của chủ sở hữu với giám sát của quản lý nhà nước.

Ví dụ, công tác giám sát, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó lại can thiệp hành chính vào quản lý, điều hành của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định về quyền sử dụng đất cũng còn nhiều vướng mắc, chênh lệch lớn giữa khung giá do Nhà nước quy định và giá thị trường là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan việc đầu tư, xây dựng cũng như đầu tư ra nước ngoài, liên doanh, liên kết còn nhiều kẽ hở, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Những vướng mắc, bất cập này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng nhận định, quy định đánh giá, xếp loại người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ vừa mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp, vừa khiến công tác quản lý vốn có hiệu quả thấp.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, hiện nay, người đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có thể có hoặc không có quyền quyết định trong doanh nghiệp, điều này phụ thuộc vào tỷ trọng vốn Nhà nước cũng như cơ chế ra quyết định theo điều lệ của doanh nghiệp đó. Vì vậy, người đại diện phần vốn Nhà nước có thể có hoặc không có ảnh hưởng gì đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, do đó họ không có quyền quyết định tại doanh nghiệp. 

Để khắc phục hạn chế trên, cần trao quyền cho người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Người đại diện phải có quyền quyết định tại doanh nghiệp, quyền quyết định này ngày càng được mở rộng và tăng cường phù hợp với đặc điểm doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Tin cùng chuyên mục