Cần tôn tạo những công trình kiến trúc phát lộ trên Kinh thành Huế

Ngày 4-7, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thị sát kiến trúc cửa vòm ở Đông Thành Thủy Quan vừa phát lộ tại khu vực Thượng Thành- khu vực 1 di tích Kinh thành Huế

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, toàn tỉnh có 56 hồ thủy lợi, 12 hồ thủy điện. Song hiện tại, một số hồ chứa thủy lợi có những hạng mục phụ trợ hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ; các thiết bị cơ khí, một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp. Trong đó, đề nghị Trung ương hỗ trợ từ ngân sách để nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long; nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Cửa Lác; đầu tư nâng cấp sửa chữa 8 đập, hồ chứa nước; xem xét đầu tư nâng cấp một số đường cứu hộ cứu nạn của một số hồ chứa lớn để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống lũ lụt.

Đáp lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Thừa Thiên - Huế là địa phương có lượng mưa lớn, lại có nhiều hồ đập, với dung tích lớn. Vì vậy, vấn đề an toàn hồ đập phải luôn đặt lên hàng đầu. Những hồ đập xuống cấp mà tỉnh kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác, cần có phương án hỗ trợ sửa chữa ngay. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần có sự quy hoạch về vấn đề thủy lợi để tránh những thiệt hại về kinh tế.

Cần tôn tạo những công trình kiến trúc phát lộ trên Kinh thành Huế ảnh 2
Cần tôn tạo những công trình kiến trúc phát lộ trên Kinh thành Huế ảnh 3 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra khu tái định cư Hương Sơ phục vụ Đề án di dời dân cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long nằm cuối nguồn sông Hương, có vị trí rất quan trọng đối với Thừa Thiên – Huế trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời khảo sát công tác giải phóng mặt bằng tại Thượng Thành- khu vực 1 di tích Kinh thành Huế và kiểm tra thực tế tại khu tái định cư Hương Sơ, TP. Huế nhằm phục vụ Đề án di dời dân cư khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cùng với việc tạo sự đồng thuận trong công tác di dân ra khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần lưu ý việc duy tu, tôn tạo các công trình, kiến trúc, nhất là những kiến trúc phát lộ trên Thượng Thành theo cơ chế ngân sách tạm thời.

“Để thực hiện vấn đề này, tỉnh sớm trình phương án để Quốc hội xem xét. Tất cả những kiến nghị của tỉnh, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, Đoàn công tác sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.

Cần tôn tạo những công trình kiến trúc phát lộ trên Kinh thành Huế ảnh 4 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác nghe giới thiệu về dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm

Nhân chuyến thăm và tại Thừa Thiên – Huế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác đã đến thăm dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đây là dự án Trại chăn nuôi heo theo công nghệ Nhật Bản với công suất thiết kế 50 con heo nái/năm và 10 con heo đực giống/năm, sản phẩm, dịch vụ cung cấp mỗi năm khoảng 1.000 con heo thịt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá tính hiệu quả của dự án, cho rằng Quế Lâm là đơn vị có tư duy tiên phong, đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết được các bài toán khó trong chăn nuôi lợn. Mô hình này giúp người chăn nuôi luôn có đầu vào và đầu ra ổn định, có lãi; không gây ô nhiễm môi trường; an toàn dịch bệnh... đây là mô hình phát triển nông nghiệp cần được nhân rộng giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục