Cần tính đến lợi ích lâu dài

Câu chuyện về nam sinh viên 18 tuổi, chạy xe ôm công nghệ vừa bị sát hại ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), khiến dư luận không khỏi xót xa, nhưng đây không phải là câu chuyện thương tâm xảy ra lần đầu. Độ tuổi sinh viên, điều quan trọng nhất vẫn là chuyện học hành. Việc tìm một công việc để làm thêm, cần chú trọng đến sự phù hợp với sức khỏe, ngành nghề đang theo học và hơn hết là sự an toàn cho bản thân. 

Dễ kiếm tiền như xe ôm công nghệ?

Có một thực tế là người trẻ đang đổ xô vào chạy xe ôm và giao hàng công nghệ. Chỉ với một chiếc xe máy vừa phải và một điện thoại thông minh là có thể gia nhập vào đội ngũ áo xanh, đỏ, cam… đông đúc trên đường phố.  

Với Mai Văn Hiệp (20 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ quận 7), chạy xe ôm công nghệ là một cách kiếm tiền sau giờ học. “Trước khi chạy xe ôm, tôi cũng làm bảo vệ ở quán cà phê và siêu thị, nhưng tiền lương chỉ đủ cho học phí, mà lại khó sắp xếp lịch học. Chạy xe ôm kiếm được nhiều hơn, tiền có mỗi ngày và mình có thể chủ động, thu xếp được thời gian đi học và chạy xe xen kẽ nhau”, Hiệp cho biết. Khoảng thời gian lịch học trống, hoặc sau khi thi xong, Hiệp chịu khó cày những cuốc xe tới gần 11 giờ đêm mới về phòng trọ. Hiệp kể: “Lên đây học tốn kém, nên tôi tranh thủ chạy xe kiếm thêm, để ba mẹ nhẹ gánh hơn mà lo cho 2 đứa em đang học cấp ba ở quê. Tháng nào cày được nhiều, có dư một chút thì gửi về quê phụ gia đình”.

Cần tính đến lợi ích lâu dài ảnh 1 Xe ôm công nghệ là nghề thu hút đông đảo người trẻ hiện nay, kể cả sinh viên. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Mải mê với cách kiếm tiền nhanh từ xe ôm công nghệ, một số bạn trẻ chạy xe ôm khi còn là sinh viên và tốt nghiệp rồi cũng vẫn làm công việc này. Văn Sang (24 tuổi, quê Bình Phước, ngụ quận Tân Bình) thở dài: “Mới ra trường, lương thử việc không đủ sống, chạy xe ôm coi vậy mà thu nhập khá hơn. Làm ở công ty không đầy 4 tháng, tôi xin nghỉ luôn. Mỗi tháng gửi chút tiền về phụ ba mẹ. Tương lai cũng không biết sao, nhưng trước mắt trang trải đủ sống là được”.

Chọn cách kiếm tiền từ việc giao thức ăn qua ứng dụng trên điện thoại, có thêm tiền sinh hoạt và đỡ một phần áp lực khi về quê, Lê Thanh Lễ (25 tuổi, quê Tiền Giang, ngụ quận 12) kể: “Tôi bị nợ một môn, nên tốt nghiệp sau bạn bè một năm, trong thời gian đó cũng phải tranh thủ giao thức ăn để kiếm thêm tiền trang trải. Mặc dù gia đình có thể lo cho tôi và cả đứa em đang chuẩn bị vào đại học, nhưng hơn 20 tuổi đầu, muốn đi chơi hay làm gì cũng phải xin tiền ba mẹ thì ngại lắm. Giao thức ăn thu nhập cao hơn chạy xe ôm, nhưng cái nào cũng có may rủi”.

Khi chúng tôi hỏi về rủi ro có thể gặp phải, Mai Văn Hiệp nói: “Đọc trên mạng thấy bạn sinh viên ở Hà Nội bị giết, cướp xe, nói thật là tôi cũng sợ. Nhưng giờ muốn kiếm tiền nhanh, không mất thời gian và chi phí thì chỉ có thể là xe ôm công nghệ. Ba tôi mới gọi ban sáng, nói tôi tuyệt đối không được chạy xe ôm quá 8 giờ tối và không nhận khách dọc đường, còn kẹt quá thì nghỉ, để ba lo. Nhưng làm vậy sao đành nên tôi và mấy đứa bạn học đành chấp nhận rủi ro và tự dặn mình phải thật cẩn thận…”.

Hành trình không dễ dàng

Câu chuyện sinh viên làm thêm, hay sinh viên chạy xe ôm công nghệ luôn khiến người ta thấy xót xa lẫn chút trách cứ, bởi những suy nghĩ kiếm tiền còn quá non nớt, mà bỏ qua những nguy hiểm, rủi ro có thể kề cận mình. Nhưng đáng ngạc nhiên là ngoài những bạn trẻ có gia cảnh khó khăn thì một số bạn khác, vẫn chấp nhận đi làm thêm, vì những lý do… trời ơi. Có thể hiện nay do những áp lực vô hình khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi, như chuyện so sánh “con nhà mình - con nhà người ta”; hay quan niệm 18 tuổi trở lên là phải biết tự lập, tự kiếm tiền, thậm chí dọn ra ngoài sống riêng như người trẻ ở nước ngoài… 

Nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội, quanh câu chuyện sinh viên chạy xe ôm công nghệ, dù là vô tình hay hữu ý cũng khiến người ta trăn trở. Cái nhìn với sinh viên còn nhiều khắt khe, ăn cơm 2.000 đồng bị nói, không làm thêm bị chê là thụ động và rồi kiếm tiền từ chuyện chạy xe ôm lại càng bị chỉ trích… Chị Ánh Hồng, một chuyên gia tư vấn tâm lý, chia sẻ: “Nhiều người dường như quên mất sự thấu hiểu và sẻ chia cho người trẻ ở lứa tuổi sinh viên, độ tuổi cần sự định hướng lẫn cảm thông hơn bao giờ hết, bởi đây là những bước chân đầu tiên để họ chập chững vào đời, bắt đầu những va chạm với cuộc sống thực tế và trưởng thành”. 

Như lời khuyên của anh Nguyễn Khánh (Nguyễn Kevin, giám đốc kinh doanh một thương hiệu cà phê tại TPHCM): “Khi chọn việc làm thêm nên tập trung vào những công việc liên quan đến ngành nghề mình đang học, để có thêm kinh nghiệm. Hiểu biết về công việc thì sau này đi làm sẽ dễ hòa nhập vào môi trường làm việc. Đó cũng là nền tảng để bản thân có động lực phấn đấu. Kiếm tiền là cần thiết, nhưng cần tính đến lợi ích lâu dài”.

Tin cùng chuyên mục