Cần tìm giải pháp cho tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo

Sau 8 tháng đi vào hoạt động, tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo đã vấp phải sự phản ứng của người dân sống dọc theo sông Hậu. Lý do được người dân đưa ra là hoạt động của tàu đã khiến tình trạng sạt lở vốn đã phức tạp nay càng thêm tồi tệ.
Một đoạn sạt lở dọc theo sông Hậu
Một đoạn sạt lở dọc theo sông Hậu

Người dân bức xúc

Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo hiện đang được khai thác bởi 2 tuyến kết hợp gồm: tuyến vận tải thủy nội địa Cần Thơ - Trần Đề (90km) và tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Trần Đề - Côn Đảo (57 hải lý, tương đương khoảng 105km). Tuyến tàu cao tốc này do Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc đăng ký hoạt động và được cấp phép từ tháng 12-2019.  Đây là tuyến tàu cao tốc được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách tiếp cận với phương thức vận tải mới, tiện lợi, chi phí rẻ từ đất liền ra đảo so với việc di chuyển bằng máy bay như trước đây. Đồng thời, góp phần tạo nên tuyến du lịch kết nối giữa Cần Thơ - Sóc Trăng - Bà Rịa Vũng Tàu.

Thế nhưng, từ khi tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo đi vào hoạt động, mà cụ thể là tuyến thủy nội địa Cần Thơ - Trần Đề đã khiến người dân sống hai bên bờ sông Hậu và những cư dân sống trên các cù lao dọc theo con sông này không khỏi lo lắng trước tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Lơ (74 tuổi, ngụ ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Từ khi tàu cao tốc chạy đã làm đoạn kè đá dài 150m bảo vệ vườn cây ăn trái của tôi nhanh chóng đổ sập xuống sông. Trước đây, dù có sạt lở nhưng chỉ ở mức độ rất ít và chậm, do một vài con nước lớn trong năm gây ra. Thế nhưng, từ khi tàu cao tốc chạy đã tạo ra sóng rất lớn, cuộn xoáy vào bờ khiến tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng”. Không chỉ riêng nhà ông Lơ, mà bà con hai bên bờ sông Hậu và người dân sống trên cồn Phong Nẫm này đều bị ảnh hưởng nặng nề. 

Vụ việc còn được nhiều người dân sống dọc theo sông Hậu phản ánh đến các cơ quan chức năng và tại các buổi tiếp xúc cử tri. Ngay sau đó, UBND huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã vào cuộc xác minh để có báo cáo với Sở GTVT tỉnh có hướng xử lý.

Kết quả xác minh tại công văn số 254 (ngày 23-7-2020) cho biết: “Trong những năm qua, triều cường đã gây sạt lở nghiêm trọng các tuyến đê của 2 ấp (An Tấn, An Công, thuộc xã An Lạc Tây), huyện đã bố trí nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư kè đá bảo vệ chân đê. Tuy nhiên, từ khi tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo bắt đầu hoạt động đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Cụ thể, đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê, với chiều dài ước tính khoảng hơn 1.500m; 34 vụ chìm xuồng, ghe, gây hư hỏng phương tiện; 11 trường hợp hộ dân đánh bắt trên sông bị cuốn trôi mất lưới, ngư cụ và một số công trình do nhà nước đầu tư bằng kè rọ đá hư hỏng, có nguy cơ sạt lở; người dân phải tự gia cố đê bao để bảo vệ tài sản, một số hộ đã di dời nhà cửa và tài sản đến nơi an toàn...”.

Ngoài huyện Kế Sách, người dân sống dọc theo sông Hậu thuộc các huyện như Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đều phản ánh chịu tác động tiêu cực từ hoạt động của tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo gây ra.

Tạm ngưng hoạt động

Để khai thác tuyến Cần Thơ - Côn Đảo, Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc đã đưa loại tàu 2 thân lớn nhất Việt Nam vào khai thác, với số lượng hành khách lên đến khoảng 600 khách/tàu. Toàn bộ hải trình từ Cần Thơ đến Côn Đảo là khoảng 195km, với thời gian di chuyển trung bình 3 giờ 30 phút, lịch trình 2 chuyến đi và về mỗi ngày.

Trước phản ứng của người dân, Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc đã có Thông báo số 181 (ngày 3-8-2020)về việc tạm ngưng hoạt động vận tải hành khách tuyến Cần Thơ - Trần Đề từ ngày 4-8-2020 và dự kiến sẽ tạm ngưng đến hết năm 2020. Ở khía cạnh khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng hành khách giảm mạnh buộc công ty phải cho tàu tạm ngưng hoạt động để đảm bảo các phương án tài chính.

Ông Trang Trường Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sau khi làm việc với các đơn vị có liên quan, các bên thống nhất yêu cầu Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc trước khi tiếp tục hoạt động trở lại tuyến Cần Thơ - Trần Đề phải xây dựng phương án hoạt động để khắc phục những ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình sạt lở hai bên bờ sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, công ty cần chủ động tổ chức đoàn khảo sát thực tế cùng với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thẩm định phương án hoạt động tuyến này. 

Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, tàu của Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc chạy đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, khi có phản ánh của người dân, cảng vụ đã yêu cầu công ty phải chỉ đạo các thuyền trưởng cho tàu chạy hạn chế tốc độ đoạn trên sông Hậu. Thế nhưng, việc hạn chế tốc độ chạy tàu vẫn chưa thực hiện được, do đây là tàu cao tốc chở khách theo tuyến cố định phải đăng ký trước lịch trình chạy tàu, đảm bảo thời gian vận chuyển hành khách giữa hai đầu bến. Mặt khác, luồng hàng hải Định An - sông Hậu và Trần Đề hiện chưa có quy định pháp luật về việc hạn chế tốc độ chạy tàu.

Tin cùng chuyên mục