Cần thiết di dời điểm khai thác nước thô

UBND TPHCM vừa phê duyệt Đề án phát triển hệ thống cấp nước TPHCM giai đoạn 2020-2050 và Chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm thành phố giai đoạn 2020-2030; trong đó, thành phố di dời dần điểm khai thác nước thô về phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Đây là việc cần thiết trong bối cảnh xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống sông đang xảy ra.
Nhà máy nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: PHAN LÊ
Nhà máy nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: PHAN LÊ

Hạn chế tác động của xâm nhập mặn và ô nhiễm

Theo UBND TPHCM, hiện nay, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố đang đối mặt với những thách thức như vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Tác động của biến đổi khí hậu cũng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô cung cấp cho thành phố, nhưng lại thiếu khả năng dự phòng để ứng phó với diễn biến bất ngờ.

Nguồn nước thô hiện nay được khai thác trực tiếp tại vị trí thuộc hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, theo phân tích của các cơ quan chức năng, chất lượng nguồn nước thô hiện nay đang có xu hướng bị ô nhiễm và nhiễm mặn. Mặt khác, giải pháp khai thác nước thô hiện nay đang gặp bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Do đó, TPHCM di dời dần điểm khai thác nước thô về phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, kết hợp với xây dựng các hồ hoặc cụm hồ dự trữ nước thô, gia tăng an ninh, an toàn nguồn nước khi đối diện với các rủi ro và nhiễm mặn từ tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Trong tương lai, các nhà máy nước hiện hữu và nhà máy mới sẽ được cung cấp nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An.

Lý giải về quyết định di dời điểm khai thác nước thô về phía thượng lưu theo từng giai đoạn, kết hợp với xây dựng cụm hồ trữ nước, UBND TPHCM cho biết, mục đích chính là hạn chế tối đa các tác động bất lợi của việc xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước; giãn tiến độ huy động vốn, giảm việc tập trung vốn đầu tư trong giai đoạn đầu, qua đó tăng tính khả thi về vốn đầu tư, cũng như tăng hiệu quả tài chính của khoản đầu tư.

Ở góc độ chuyên gia, GS-TSKH Lê Huy Bá, giảng viên Khoa Môi trường tài nguyên và biến đổi khí hậu, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho rằng, việc TPHCM tính toán di dời điểm lấy nước thô về phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là cần thiết, tuy nhiên không nên làm vội vàng mà phải có lộ trình di dời dần cho vài chục năm sau. Bởi lẽ, việc di dời sẽ gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước. Đồng quan điểm, PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, phân tích, vấn đề trước mắt là ô nhiễm nguồn nước sông, trong tương lai là xâm nhập mặn, cho nên việc di dời điểm lấy nước thô của TPHCM là cần thiết, chứ không thể đợi làm sạch nguồn nước và giữ nguyên vị trí điểm lấy nước như hiện nay. Phải đánh giá mức độ ô nhiễm và nếu nguồn nước sông ô nhiễm thực sự thì việc di dời là cần thiết.

Cần kiểm soát xả thải ở thượng nguồn

Đồng tình với chủ trương di dời điểm khai thác nước thô của TPHCM, song các ý kiến cho rằng, để đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước sạch cho thành phố, cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương ở các tỉnh đầu nguồn trong việc quản lý tốt vấn đề xả thải ra hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, để hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

GS-TSKH Lê Huy Bá lưu ý, TPHCM cần làm việc với các địa phương ở phía thượng nguồn để không lập các dự án phát triển trang trại chăn nuôi công nghiệp, kiểm soát xả thải ở các khu công nghiệp phía thượng nguồn sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. “Nếu ở đầu nguồn không bảo vệ tốt nguồn nước sẽ nguy hiểm cho nguồn nước sạch của TPHCM. Ở các nước tiên tiến, họ xem nguồn nước đầu nguồn là hết sức quan trọng, thậm chí họ đưa vào luật”, GS-TSKH Lê Huy Bá khuyến cáo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để quản lý hiệu quả nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cũng như quản lý tình trạng xả thải ra hệ thống sông nhằm không gây ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho TPHCM, đòi hỏi phải có một “nhạc trưởng” để điều phối chung và nên quản lý theo lưu vực sông. Theo PGS-TS Hồ Long Phi, Nhà nước cần giao quyền quản lý lưu vực sông cho một đơn vị độc lập không lệ thuộc vào các tỉnh như đã thực hiện thời gian qua, đơn vị này có thể chế tài các trường hợp sai phạm. Nghĩa là giải quyết theo bài toán lưu vực, trong đó với sông Đồng Nai có Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn có Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn. Các ủy ban này không nằm ở một bộ, ngành, địa phương nào mà trực thuộc Chính phủ để điều phối chung một cách thống nhất.

Tin cùng chuyên mục