Cần thay đổi tư duy quản lý

 
Câu chuyện về việc công văn của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái ban hành rồi thu hồi ngay thực sự đang đặt ra rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Ngày 2-6, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký văn bản gửi Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề nghị xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, tại một buổi tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà” vì cho rằng đó là phát ngôn chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề; yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ VH-TT-DL trước ngày 15-6 để bộ báo cáo các cấp có thẩm quyền. Thế nhưng, đến trưa 4-6, Bộ VH-TT-DL lại gấp rút ra văn bản thu hồi lại văn bản trên.

Ngày 5-6, trong cuộc trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, tối 2-6, ông nhận được điện thoại của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói có văn bản trình ký gấp xung quanh bán đảo Sơn Trà. Công văn gấp này được Tổng cục Du lịch chuyển đến khi ông đang bận dự một sự kiện khác của ngành. Điều đáng nói là khi xem nội dung công văn, ông Huỳnh Vĩnh Ái không đồng ý ký vì có những nội dung còn phức tạp. “Tôi chưa rõ mục đích của văn bản đó là gì, tại sao lại phải ký ban hành văn bản đó. Tôi đề nghị Tổng cục Du lịch làm lại cho rõ ràng. Tổng cục Du lịch nói đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nên anh em mới biên tập lại cái này trình tôi ký. 
Tôi nói lại rằng nếu đã có ý kiến của Phó Thủ tướng thì tôi sẽ xem xét ký và đã yêu cầu chỉnh sửa lại cho mềm mại hơn. Tôi còn cẩn thận hỏi kỹ lại Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch có đúng Phó Thủ tướng chỉ đạo như thế này không, được xác nhận là đúng như vậy nên tôi đã ký văn bản đó”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trần tình.

Khi công văn này được công bố, sáng 4-6, trên mạng xã hội đã có những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng gọi điện và nhắn tin cho người ký công văn rằng nên thu hồi văn bản đó ngay. Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, trong tin nhắn, Phó Thủ tướng nhận xét Tổng cục Du lịch tham mưu quen kiểu hành chính, cứ nghĩ như cán bộ của mình. Ở đây, Tổng cục Du lịch đã hiểu chưa đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL trao đổi bằng văn bản với Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và các tổ chức có liên quan để làm rõ những nội dung kiến nghị liên quan đến tính pháp lý của bản Quy hoạch Sơn Trà, chứ không phải là một công văn đề nghị chấn chỉnh phát ngôn. 

Sau sự cố xảy ra, ông Huỳnh Vĩnh Ái khá cầu thị khi thẳng thắn nhận lỗi; xin lỗi Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng; gọi điện và nhắn tin xin lỗi cá nhân ông Huỳnh Tấn Vinh, xin lỗi công luận… Thế nhưng, điều mà xã hội đặt ra đó là tại sao, trong một thể chế mà chúng ta đã thực hiện giám sát và phản biện xã hội, chấp nhận những ý kiến trái chiều, nhất là dưới góc độ khoa học…, thì Tổng cục Du lịch lại có thể tham mưu và Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL lại chấp nhận ký một công văn rất trái nguyên tắc thông thường như vậy? Tổng cục Du lịch tiếp thu sai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhưng tại sao khi nhận ra vấn đề không ổn, Thứ trưởng vẫn ký công văn? Lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước đã làm không đúng vai, không đúng thẩm quyền khi Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng không thuộc quyền quản lý của bộ mà lãnh đạo bộ lại ra một văn bản mang tính mệnh lệnh hành chính. Bộ VH-TT-DL với chức năng quản lý nhà nước về du lịch, không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt buộc kiểm điểm, giải trình, xử lý. Đó chính là gốc rễ, là căn nguyên của vấn đề của câu chuyện công văn trên. Bởi nếu như Tổng cục Du lịch, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL hiểu đúng nguyên tắc đó, thì sẽ không có việc lạm quyền để ra một văn bản yêu cầu lãnh đạo một hiệp hội chấn chỉnh phát ngôn. Từ câu chuyện này, dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu có bao nhiêu quyết định lạm quyền, bao nhiêu mệnh lệnh hành chính hóa được ban hành mà báo chí không có cơ hội được biết để phơi bày trước công luận?

Không phải chỉ 2 vụ việc mới xảy ra ở Bộ VH-TT-DL khiến người dân đặt câu hỏi về năng lực của bộ máy. Đã xảy ra quá nhiều vụ việc khiến dư luận quan tâm và bức xúc với tư duy, năng lực của cán bộ, của bộ máy quản lý nhà nước, với cách quản lý vẫn mang tính hành chính, áp đặt mệnh lệnh; thậm chí quan liêu, vô cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ trong bộ máy. Chúng ta luôn hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhưng để đạt tới mục tiêu đó, rất cần thực hiện tốt tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, phải thường xuyên rà soát toàn diện bộ máy quản lý, nhất là người đứng đầu, rà soát lại năng lực, tư duy tầm nhìn và nếu cần thay thế thì không cần chờ đến hết nhiệm kỳ. Cần “sàng lọc để chưng cất” được bộ máy cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng xứng tầm với nhiệm vụ. Bởi dù với lý do gì, trong những vụ việc gần đây nhất của Bộ VH-TT-DL, cho thấy tư duy của một bộ phận quản lý nhà nước là “có vấn đề”.

Tin cùng chuyên mục