Cần tăng kích cầu cho sản phẩm nông nghiệp

Nhiều hệ thống phân phối bán lẻ đang đẩy mạnh giải pháp kích cầu nhằm tăng sức tiêu thụ cho mặt hàng nông thủy hải sản. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang tạm ngừng nhập khẩu, sức mua thị trường nội địa có hạn, thậm chí chậm lại sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, đã khiến nguy cơ hàng nông, thủy hải sản bị tồn đọng và rớt giá mạnh. 
Việc hình thành nhà máy chế biến nông sản giúp nông nghiệp phát triển ổn định hơn
Việc hình thành nhà máy chế biến nông sản giúp nông nghiệp phát triển ổn định hơn

Tại cuộc họp mới đây do Bộ NN-PTNT chủ trì, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết nhu cầu tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu giảm mạnh đã kéo theo giá cá tra nguyên liệu xuống mức thấp, khoảng 18.000 đồng/kg. Dù các cơ sở nuôi trồng, hộ gia đình đã giảm sản lượng và diện tích nuôi cá ở mức 777ha (giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019), diện tích thu hoạch là 602ha (giảm 20,8%) và sản lượng đạt gần 180.000 tấn (giảm 23,6%), nhưng khả năng tiêu thụ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Gần đây nhất, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ chi phí tiền điện và lưu kho bãi tại các cảng, do đơn hàng xuất khẩu bị tạm hoãn và đối tác nhập khẩu không chắc được thời gian có thể nhập khẩu trở lại. Với những đơn hàng có khả năng xuất khẩu thì lại vướng quy định về mã vạch, nên cũng bị chậm xuất khẩu. 

Không chỉ mặt hàng thủy hải sản, nông sản của nước ta cũng đang trong tình trạng dội chợ do nhiều loại trái cây vào mùa thu hoạch, trong khi nhiều thị trường xuất khẩu vẫn đang phải đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh. Tháng 5 là bắt đầu vào mùa vải thiều. Những năm trước, lượng vải thiều thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, nhưng năm nay khả năng xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiện Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ hộ nông dân xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thế nhưng nhu cầu thị trường cũng như quy mô thị trường này còn hạn chế. Trước đó, các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, dưa hấu, xoài… cũng gặp rất nhiều khó khăn khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu. Vào cao điểm thu hoạch, giá trái cây xuống mức 5.000 đồng/kg thanh long và khoảng trên dưới 30.000 đồng/kg sầu riêng, xoài. 

Bộ Công thương đang tập trung vào việc giải cứu nông, thủy hải sản. Theo đó, bộ đã chỉ đạo tham tán thương mại tại các thị trường xuất khẩu tìm kiếm cơ hội, đồng thời tháo gỡ những khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa.  Riêng với vải thiều bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ, bộ đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn trong cả nước như Tập đoàn Central Retail - Siêu thị BigC, Mega Market, Aeon, Lotte, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Hapro…, yêu cầu các đơn vị có kế hoạch chủ động kết nối, thu mua và phân phối. Với thị trường xuất khẩu, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ… gấp rút rà soát nhu cầu thị trường kết hợp với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo cơ hội xuất khẩu cho mặt hàng này. 

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, về lâu dài để tạo sự phát triển ổn định, Chính phủ cần có những định hướng đầu tư dài hơi hơn cho phát triển ngành nông thủy hải sản. Theo đó, phải tập trung thu hút, thậm chí có chính sách ưu đãi đặc biệt cho những DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông thủy hải sản.

Nhiều DN cho biết, Việt Nam rất có tiềm năng chế biến lương thực thực phẩm do nguồn nguyên liệu thô phong phú. Sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, phải thấy rằng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông thủy hải sản có nhiều rủi ro do chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài.

Những DN có tính đến đầu tư cho nguyên liệu đầu vào càng có độ rủi ro cao hơn, do cần tích lũy diện tích đất với quy mô lớn. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ ổn định và dài hơi hơn với DN. Đặc biệt, phải tính đến yếu tố đảm bảo an toàn tài sản đầu tư cho DN, nhất là tài sản diện tích đất canh tác để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. 

Một yếu tố khác cũng được nhiều ý kiến của DN đưa ra, đó là chính sách hỗ trợ DN phát triển thị phần trong nước. Hiện Chính phủ đã phát triển những thương hiệu sản phẩm quốc gia, nhưng thương hiệu dành cho sản phẩm nông thủy hải sản chế biến còn ít.

Quy mô sản xuất của các DN hoạt động trong lĩnh vực này còn hạn chế, theo đó năng lực vốn cũng có hạn. Việc tự phát triển thương hiệu để tạo sự nhận diện rộng trong cộng đồng rất khó thực hiện. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, những hoạt động giao thương quốc tế đang bị gián đoạn. Các chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm bị đứt gãy đã khiến lượng hàng hóa chế biến tồn kho lớn, nông sản vào mùa rớt giá mạnh…

Do vậy, những chính sách, gói hỗ trợ kích thích sản xuất như giãn thuế, giảm và miễn phí, lệ phí, hỗ trợ vốn lãi suất thấp… cần sớm được triển khai đến DN, tránh để DN “kiệt sức” và khó vực dậy hoạt động.

Tin cùng chuyên mục