Cần tăng cường giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TPHCM) vừa gửi danh sách 201 học sinh vi phạm luật giao thông trong hai tháng 8 và 9 cho Sở GD-ĐT TPHCM, đề nghị xử lý vi phạm. 
Học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 12) hào hứng tham gia hoạt động giáo dục về an toàn giao thông sáng 7-11
Học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 12) hào hứng tham gia hoạt động giáo dục về an toàn giao thông sáng 7-11
Các lỗi vi phạm chủ yếu là học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, lái xe không đội nón bảo hiểm, không có giấy tờ, vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông... Công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT) ở các trường hiện nay đã được đẩy mạnh, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi, vì sao? 
Học mà chơi
Sáng qua 7-11, hơn 1.200 học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 12) đã hòa mình vào những trò chơi tìm hiểu về luật giao thông, hoạt động nằm trong dự án “Hành trang an toàn” do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á phối hợp với Quỹ UPS tổ chức tại các trường tiểu học ở hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội. 
Ông Mai Thế Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn cho biết, thông qua các trò chơi như thử tài ghép tranh, trả lời các câu hỏi đố vui có thưởng giúp học sinh có cơ hội ôn lại kiến thức về ATGT, biết cách lựa chọn và đội nón bảo hiểm đạt chuẩn. Kết thúc buổi sinh hoạt, hơn 800 học sinh ở ba khối 1, 2, 3 và 50 giáo viên, nhân viên trong trường được nhà tài trợ trao tặng nón bảo hiểm. 
Nguyễn Trần Phương Anh, học sinh lớp 3/3, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn bày tỏ: “Vừa được tặng nón, vừa được các thầy cô hướng dẫn cách đội sao cho an toàn nên bạn nào cũng chú ý lắng nghe”. Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt đầu tuần ở sân trường, giờ sinh hoạt chủ nhiệm và tiết học đạo đức, giáo viên cũng được yêu cầu lồng ghép kiến thức về ATGT để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh ý thức chấp hành luật giao thông, đội nón bảo hiểm khi lưu thông trên đường. 
Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Thùy Liêm, đại diện Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết: “Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em trong độ tuổi tiểu học, gây ra mất mát và tổn thương lớn cho chính bản thân và gia đình các em”. Do đó, hàng năm phòng GD-ĐT luôn đưa nội dung giáo dục về ATGT vào một trong các chủ điểm sinh hoạt trong năm học, khuyến khích các trường tổ chức thêm nhiều sân chơi giúp học sinh tìm hiểu về luật giao thông. 
Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông Mai Thế Hùng, hiện nay giáo dục về ATGT chỉ dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở, vận động là chính. Phụ huynh và học sinh chấp hành hay không còn phụ thuộc vào ý thức cá nhân và sự tự giác của mỗi người. “Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, chúng tôi đều đưa ATGT vào các nội dung phổ biến. Nhưng trường học không phải công an, không có chế tài răn đe”, ông Hùng bày tỏ.      
Cần sự phối hợp
Hàng năm, sau khi có danh sách học sinh vi phạm luật giao thông do Công an TPHCM gửi qua, Sở GD-ĐT TP sẽ có văn bản gửi các phòng GD-ĐT ở 24 quận, huyện và các trường học có học sinh vi phạm, yêu cầu trường học phối hợp cùng gia đình thực hiện các biện pháp giáo dục, nhắc nhở học sinh. Đồng thời, các trường có thể xem đây là cơ sở để đánh giá hạnh kiểm học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học. Kết quả kỷ luật được yêu cầu gửi về Sở GD-ĐT cùng bản kiểm điểm của học sinh, cam kết của phụ huynh về việc con em không tiếp tục vi phạm.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận Gò Vấp, giáo dục về ATGT hiện nay chỉ triển khai mạnh mẽ ở các bậc tiểu học và THCS.  Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân khiến giáo dục ATGT chưa đạt hiệu quả do các trường còn bị động trông chờ vào các hoạt động tài trợ, chương trình tuyên truyền của thành phố chứ chưa thật sự có kế hoạch tổ chức bài bản. Hoạt động giáo dục chủ yếu thiên về ngoại khóa, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chung nên không đạt hiệu quả tiếp nhận cao từ người học.  
Từ những hạn chế đó, đại diện các trường cho biết, cần có sự phối hợp mạnh mẽ từ phụ huynh. Vì sự an toàn của chính học sinh, gia đình cần thường xuyên nhắc nhở, kiên quyết không cho các em điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, thường xuyên có sự trao đổi, liên lạc với giáo viên để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh. Chỉ khi làm được điều đó, giáo dục ý thức tuân thủ luật giao thông cho học sinh mới thoát khỏi tình trạng “làm cho có” như hiện nay. 
Mới đây, theo kết quả nghiên cứu của PGS-TS Chu Công Minh, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, tỷ lệ học sinh thiệt mạng do tai nạn giao thông ở Việt Nam cao hơn nhiều nước châu Á (gấp 1,25 lần Campuchia; 2,73 lần Nhật Bản; 1,84 lần Hàn Quốc…). Trong số đó, các vụ tai nạn chủ yếu đến từ xe đạp điện, xe máy điện và xe máy.

Tin cùng chuyên mục