Cần tái sinh rạch Bàu Trâu

Là chi lưu của kênh Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Bàu Trâu dài khoảng 3km, chảy từ quận Tân Phú (đoạn kênh Tô Hiệu) sang quận 6 (kết thúc ở cầu Phú Lâm), đóng vai trò quan trọng cấp 1 trong hệ thống thoát nước chung nhưng đang trong tình trạng gây ngập nước, ô nhiễm nặng nề. 
Rạch Bàu Trâu bị ô nhiễm nặng
Rạch Bàu Trâu bị ô nhiễm nặng

Người dân khẩn thiết kêu cứu cơ quan chức năng nhanh chóng cải tạo để tái sinh dòng kênh, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống...

Dòng kênh “chết”

Ông Hai Giàu, nhà ở hẻm 116 đường Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6, chỉ tay ra dòng kênh cho biết ông ở đây đã hơn 60 năm nhưng dòng kênh thực sự ô nhiễm trầm trọng từ vài năm nay. Nguyên nhân do dòng kênh lâu ngày không được cơ quan chức năng vớt rác, khơi thông dòng chảy; trong khi người dân sống 2 bên bờ kênh cứ bỏ rác xuống kênh hàng ngày, cây cối mọc lên lâu ngày cản dòng chảy…

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ dòng kênh dường như không chảy, nước đen xì hôi hám, có những cây xanh mọc ngay giữa lòng kênh cao 4 - 5m, từng đống rác sinh hoạt ứ đọng dưới dòng kênh. “Trước kia kênh rất thông thoáng, có lúc người ta tính cải tạo mở rộng để tàu thuyền ra vô cung cấp tôm nguyên liệu cho nhà máy đông lạnh. Nhưng bây giờ thì ô nhiễm không thể tưởng tượng được, lòng kênh bị lấn chiếm chỉ còn chiều rộng vài mét”, ông Hai Giàu cho biết.

Ngoài ra, nằm trong khu vực này có nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất nên rạch Bàu Trâu nói riêng và kênh Tân Hóa - Lò Gốm nói chung còn hứng chịu lượng lớn rác thải công nghiệp, nước thải sản xuất không được xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước, môi trường, không khí cũng bị ô nhiễm nặng.

Đáng nói, con rạch này lại len lỏi giữa khu dân cư đông đúc nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Một cư dân ở hẻm 154 đường Tân Hòa Đông (quận 6) cho biết, cứ trời nắng lên là rác thải, xác chết động vật lại bốc mùi hôi kinh khủng, không thể chịu nổi. Những căn nhà ở ngay sát lòng kênh, rạch phải luôn đóng kín cửa sổ để hạn chế mùi hôi.

Ghé qua vài dãy nhà nằm sát 2 bên bờ kênh trên địa bàn quận 6, chúng tôi ghi nhận hình ảnh những cây phơi đồ kín quần áo bên trên, rác ủ mùi ngay phía dưới. Chị Nguyễn Thị Kim Hà (41 tuổi, đến trọ tại đây đã hơn 1 năm) than phiền rằng, nhà có con nhỏ, từ ngày đến đây ở, em bé cứ mắc bệnh ho, sổ mũi, phải đưa đi bệnh viện hoài. Nhà chưa đến chục mét vuông mà lúc nào cũng phải bật cả 3 chiếc quạt suốt ngày đêm cho đỡ mùi hôi.

Cấp bách triển khai dự án

Một người dân bức xúc cho biết, có lẽ con kênh này nằm trên địa bàn 2 quận (Tân Phú và 6) nên không ai chịu trách nhiệm nên cứ để dân lãnh đủ? Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt trung tâm), từ  năm 2008, UBND TP giao trung tâm làm chủ đầu tư nạo vét, cải tạo rạch Bàu Trâu đoạn từ kênh Tân Hóa đến kênh Hiệp Tân. Đến năm 2012, trung tâm có tờ trình thẩm định thiết kế cơ sở dự án và đã được Sở GTVT thông qua hồ sơ thiết kế; trong đó, nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu với chiều dài 1.517m, bề rộng 6 - 8m, xây bờ kè đứng toàn tuyến, xây dựng đường cảnh quan dọc bờ kênh với quy mô chiều rộng 13m, lắp đặt cống tròn thu gom nước thải sinh hoạt nhà dân... với tổng mức đầu tư hơn 282 tỷ đồng (chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.000 tỷ đồng – PV).

Rạch Bàu Trâu là một phần quan trọng trong dự án thành phần 4 là cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự án nâng cấp đô thị… nhưng do nhiều yếu tố nên đến nay công tác cải tạo rạch chưa được triển khai.

Cải tạo kênh rạch, di dời nhà trên và ven kênh rạch là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM. Tuy nhiên, nguồn vốn cho chương trình này ước tính lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách TP chỉ đáp ứng một phần, chính vì vậy nếu chờ ngân sách để triển khai dự án này chắc còn phải chờ đợi thời gian dài.

Mới đây, Sở KH-ĐT TPHCM kiến nghị UBND TP cho thực hiện dự án này theo theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được tổ chức đấu thầu công khai theo quy định. Các sở ngành khác và đặc biệt là UBND quận Tân Phú và quận 6 (nơi dự án đi qua) đều cho rằng đây là một trong số các dự án cấp bách cần được TP thông qua, triển khai ngay trong năm 2018 để giúp chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường và đặc biệt hoàn thành dự án thành phần 4 là cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm theo kế hoạch đề ra trước đó.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo UBND quận Tân Phú cho biết, nếu dự án được triển khai sớm sẽ mang lại nhiều kết quả không chỉ về mặt xã hội như cải thiện môi trường sống, tạo lập chỗ ở mới tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng mà còn góp phần chỉnh trang đô thị cho quận Tân Phú nói riêng và TPHCM nói chung.

Tin cùng chuyên mục