Cần sự liên thông khi ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông

Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) vừa tổ chức buổi tọa đàm để tìm giải pháp tối ưu cho công tác ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông trên địa bàn TPHCM. Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều hướng giải quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc để công tác trên được thực hiện đúng tiến độ, an toàn vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân…
Cần sự liên thông khi ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông

Theo đại diện của EVNHCMC, sau gần 10 năm, EVNHCMC đã thực hiện ngầm hóa được 39% lưới điện trung thế và 14% lưới điện hạ thế. Việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin liên lạc không chỉ làm tăng mỹ quan đô thị, giảm tình trạng mất an toàn lưới điện, mà còn nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Dù đạt được những thành quả đáng khích lệ, nhưng EVNHCMC vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi triển khai các dự án ngầm hóa. Cụ thể, các thủ tục thỏa thuận tuyến, thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng... tuy đã có đổi mới, nhưng nhìn chung vẫn kéo dài, một phần do vỉa hè ở một số tuyến đường khá chật hẹp, không đủ mặt bằng tái bố trí, lắp đặt thiết bị.

Trong khi đó, việc phối hợp hạ ngầm dây thông tin của các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hồi trụ điện. 

Không những thế, sau khi thực hiện ngầm hóa, các thiết bị trước đây lắp trên trụ điện như trạm biến thế, thiết bị đóng cắt và các hộp phân phối dây điện, hộp đấu nối dây thông tin phải bố trí lại trên vỉa hè. Mặc dù các vị trí lắp đặt này đã được Sở Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương thống nhất, được sự đồng thuận của đa số hộ dân, nhưng khi thi công cũng gặp trở ngại, do tâm lý một số người dân không muốn lắp đặt tại vỉa hè phía trước nhà mình. 

Số liệu từ EVNHCMC cho thấy, TP hiện vẫn còn khoảng 13.400km đường dây điện cao thế, trung thế và hạ thế, cùng hệ thống dây cáp viễn thông trên 211.860 cột điện mà ngành điện đang quản lý. Đây là thách thức lớn cho việc ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông.

Theo tính toán chưa đầy đủ, kinh phí đào hào kỹ thuật ngầm hóa lên tới 18 tỷ đồng/km, cộng thêm chi phí thiết bị riêng cho ngầm hóa lưới điện sẽ đội lên đến 36 tỷ đồng/km.

Trước những bức bách như trên, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn TP giai đoạn 2018-2020. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020, hạ ngầm lưới điện và cáp viễn thông tại 61 tuyến công trình với tổng khối lượng thi công 147,8km.

Tại buổi tọa đàm, EVNHCMC đưa ra một số giải pháp như tăng cường công tác vận động người dân, cung cấp thông tin cho người dân về kế hoạch thực hiện ngầm hóa tại khu phố; giới thiệu hình ảnh trước và sau khi ngầm hóa để người dân thấy được vẻ mỹ quan sau khi ngầm hóa, cũng như cải thiện môi trường sống của người dân; từ đó, người dân sẽ thấy được giá trị của đoạn đường được ngầm hóa.

Khi đã hiểu thấu được lợi ích của công tác ngầm hóa, người dân sẽ chia sẻ khó khăn và đồng thuận với việc làm của ngành điện, ngành viễn thông trong công tác ngầm hóa. Bên cạnh đó, ngành điện đang thử nghiệm giải pháp sơn tủ điện bằng loại sơn đặc biệt để không thể vẽ, dán quảng cáo… gây mất thẩm mỹ tủ điện.

Tin cùng chuyên mục