Cần sớm thống nhất quan điểm cắt giảm “chứng thực, chứng nhận” nhiều loại giấy tờ trong thủ tục hành chính

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, mặc dù căn cước công dân gắn chip điện tử ra đời đã là giấy tờ chứng minh thông tin, nhân thân cao nhất, chính xác nhất của người dân, nhưng hiện tại, trong thực hiện thủ tục hành chính, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu người dân phải "chứng thực, chứng nhận" rất nhiều loại giấy tờ, thậm chí có nhiều trường hợp bắt chứng thực, chứng nhận, một cách vô lý. 

Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và sớm thống nhất quan điểm để cắt giảm yêu cầu “chứng thực, chứng nhận”, nhất là trong những thủ tục người dân thường xuyên thực hiện như đăng ký khai sinh, hộ khẩu, kết hôn…

Ngày 17-2, tại Hà Nội, phiên họp thứ 2 về thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Cần sớm thống nhất quan điểm cắt giảm “chứng thực, chứng nhận” nhiều loại giấy tờ trong thủ tục hành chính ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu các đơn vị, bộ, ngành cần sớm thống nhất quan điểm cắt giảm nhiều chứng nhận, chứng thực vô lý trong một số giao dịch hành chính. Ảnh: VINH QUỲNH

Tại phiên họp, người đứng đầu Bộ Công an khẳng định, tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với xã hội rất lớn. Hàng ngày, có hàng triệu lượt giao dịch trên cổng dịch vụ công cho thấy nhu cầu cần được xử lý giấy tờ trực tuyến, cắt giảm bớt thời gian đi lại của người dân hiện nay đang cấp thiết.

Việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính bằng cách khai thác các tiện ích trong cơ sở dữ liệu dân cư về quốc gia sẽ giảm việc phải tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, không những đem lại hiệu quả cho cả cơ quan nhà nước lẫn người dân mà còn hạn chế được việc nảy sinh các vấn đề tiêu cực khi người dân phải trực tiếp gặp nhân viên, cán bộ thực hiện thủ tục hành chính.

Tổ công tác xác định 7 nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành nội dung đề án đưa ra. Trong đó trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư.

Riêng Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, sẽ xác định là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong thực hiện đề án. Bộ Công an cũng luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân.

Trước đó, thông tin tại phiên họp, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, tính đến ngày 16-2, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia là 3.523 thủ tục; số thủ tục hành chính cung cấp cho công dân trên cổng dịch vụ công là 1.956 thủ tục; số thủ tục cung cấp hành chính cung cấp cho doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công là trên 1.800 hồ sơ.

Cần sớm thống nhất quan điểm cắt giảm “chứng thực, chứng nhận” nhiều loại giấy tờ trong thủ tục hành chính ảnh 2 Trung tướng Tô Văn Huệ báo cáo tại phiên làm việc. Ảnh: VINH QUỲNH

Số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia, chỉ tính riêng 16-2 có trên 97 triệu hồ sơ. Số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua dịch vụ công quốc gia đến 16-2 đạt gần 2,8 triệu hồ sơ.

Trong đó, bộ, ngành có tổng dịch vụ công nhiều nhất là: Bộ Tài chính (271 dịch vụ), Bộ GTVT (207 dịch vụ); Bộ Y tế (164 dịch vụ). Bộ ngành có tổng số dịch vụ công ít nhất là Ngân hàng nhà nước, Bộ LĐTB-XH…

Đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cư trú khi đề án được ban hành, Trung tướng Tô Văn Huệ cho biết, tính từ 1-7-2021 đến 15-2-2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên 196.000 hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã trả kết quả cho công dân trên 191 triệu hồ sơ.

Trung bình mỗi ngày nhận 1.225 hồ sơ và giải quyết 1.197 hồ sơ. Tính từ khi đề án 06 được thông qua, trung bình mỗi ngày nhận hơn 2.600 hồ sơ, giải quyết được hơn 2.500 hồ sơ….

Tin cùng chuyên mục