Cần những doanh nghiệp trưởng thành

Đứng trước bất kỳ các khó khăn nào, dù là đại dịch Covid-19 hay sự tăng giá liên tục của hàng hóa nguyên liệu, nhiên liệu nhập khẩu, điều đầu tiên các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp làm là gì? TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, đặt câu hỏi tại một cuộc hội thảo gần đây về thể chế kinh tế thị trường. Rồi ông tự trả lời: Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, thường lập tức yêu cầu Nhà nước phải can thiệp vào thị trường thông qua các biện pháp hỗ trợ, bù giá, trợ cấp, bù lãi suất, hoặc “kêu cứu”.

Điều đó không hẳn sai, nhưng cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa thực sự có tư duy thị trường, mặc dù đã cơ bản vận hành theo kinh tế thị trường trong suốt hàng chục năm qua. Cộng đồng doanh nghiệp cần đối diện với sự khắc nghiệt của thị trường, những kỷ luật và nguyên tắc chặt chẽ của thị trường, kể cả những cú sốc mà thị trường có thể mang lại dưới nhiều hình thức, vào bất kỳ thời điểm nào. Đây cũng là khuyến nghị mạnh mẽ mà các nhà quan sát kinh tế nước ngoài đưa ra, nhấn mạnh vào khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc để có kế hoạch ứng phó hiệu quả. Khả năng đó được quyết định phần lớn bởi các doanh nghiệp trưởng thành, biết chấp nhận các nguyên tắc, luật chơi của thị trường, chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, chiến lược quản lý rủi ro, vận hành theo các cơ chế thị trường.

Phần còn lại, là bàn tay quản lý của Nhà nước. Sự can thiệp của Nhà nước nếu hợp lý và với liều lượng vừa phải sẽ đóng vai trò phát triển hay kiến tạo, nhưng nếu không được thiết kế tốt hoặc thực hiện không hiệu quả thì lại “góp phần” vào thất bại hoặc làm hạn chế hiệu quả của cơ chế thị trường, thậm chí làm phương hại tới các nguyên tắc lành mạnh của thị trường. Các biện pháp như “thiết lập quỹ bình ổn giá”, “cấp bù lãi suất”, “hỗ trợ giá”, “bù giá”, “ưu đãi”… tuy cần thiết ở một số thời điểm, một số trường hợp, nhưng không nên lạm dụng. 

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 29-3 bàn về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cũng có một số ý kiến quan ngại về sức ép cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia và đề nghị cần có nhóm quy định riêng để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế của Việt Nam tham gia thị trường bảo hiểm; có chính sách phát triển để các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm Việt Nam có thể xuất khẩu dịch vụ ra nước ngoài. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên tắc lập pháp là các quy định của luật phải đúng theo các nội dung cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Việc quy định riêng để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế của Việt Nam tham gia thị trường là chưa bảo đảm việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam phải thực hiện. Ví dụ khác là trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến còn phân vân về vai trò và sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Trong nhiều trường hợp, thật khó để phân định Nhà nước đóng vai trò đại diện chủ sở hữu, hay cơ quan quản lý, hay người sử dụng đất. 

Vẫn còn rất nhiều công việc phải làm sớm, như tập trung cải cách sở hữu và phát triển các lực lượng sản xuất, đặc biệt kinh tế tư nhân; tập trung phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đảm bảo cạnh tranh công bằng và có trật tự; và đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường và sinh thái… Nhưng, một trong những điều kiện không thể thiếu là sự trưởng thành của các doanh nghiệp và sự quyết đoán, linh hoạt trong quản lý nhà nước để đảm bảo các nguyên tắc của thị trường mà vẫn không xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tin cùng chuyên mục