Cần nhất quán chính sách về vị trí và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước

Sáng 3-10 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn “Chính sách cạnh tranh quốc gia”.
Quang cảnh buổi toạ đàm
Quang cảnh buổi toạ đàm

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khuyến nghị: “Đừng ngại cạnh tranh, đừng lo lắng quá nhiều về cạnh tranh, chính sách phải làm cho nhiều sự cạnh tranh. Tuy nhiên, cạnh tranh phải công bằng. Từ đó, mới tạo ra động lực để tạo ra sự phát triển”.

Cho đến nay, Luật Cạnh tranh năm 2005 là văn bản pháp luật quan trọng giúp tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Trong 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh, Bộ Công Thương đã chủ động tiến hành hoạt động điều tra tiền tố tụng đối với nhiều ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng, nhạy cảm trong nền kinh tế nhằm tăng cường khả năng phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh. Tính đến năm 2016, đã có tổng số 87 cuộc điều tra tiền tố tụng được thực hiện.

“Mặc dù một số vụ việc cạnh tranh được điều tra và xử lý còn khiêm tốn nhưng xét trong bối cảnh các cơ quan cạnh tranh Việt Nam còn non trẻ với nguồn lực hạn chế và Luật Cạnh tranh được thực thi chưa đủ để có thể đi sâu vào đời sống xã hội”, ông Trịnh Anh Tuấn (Bộ Công Thương) cho biết.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Tuấn, Luật Cạnh tranh năm 2005 còn nhiều điểm bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để xử lý kịp thời các hành vi xuyên biên giới góp phần tạo sự ổn định cho nền kinh tế nội địa thông qua việc ổn định các yếu tố đầu vào, yếu tố đầu ra của nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường các lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực chủ chốt hoặc lĩnh vực phục vụ dân sinh của nền kinh tế.

Nhất trí với quan điểm này, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, nhìn từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cần nhất quán tư tưởng chính sách về vị trí và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam; giảm tỷ trọng ảnh hưởng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước; phân loại doanh nghiệp Nhà nước tương ứng hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu và quản lý; hoàn thiện thể chế cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, cần phát triển thị trường tài chính để mở rộng khả năng cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp; cần giám sát, giải trình và minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Được biết, dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi đang được Bộ Công Thương hoàn thiện và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIV (sẽ khai mạc cuối tháng 10 tới đây). Những ý kiến ghi nhận tại Diễn đàn này sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các nhà lập pháp.

Tin cùng chuyên mục