Cân nhắc việc tăng thuế nguyên liệu nhựa

Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiến nghị xem xét không tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP lên 5%, giữ nguyên mức thuế suất nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP ở mức 3% như hiện nay. 

Nguyên nhân của kiến nghị này là do vào trung tuần tháng 9, VPA nhận được công văn số 10756/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng Polypropylen (hạt nhựa PP thuộc nhóm HS 3902) từ 3% lên 5%.

Theo lý giải của VPA, việc dự kiến tăng thuế nhập khẩu lên 5% đối với nguồn nguyên liệu chủ yếu sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành công nghiệp nhựa còn non trẻ trong nước. Thậm chí vô tình tăng thêm sức mạnh cho hàng ngoại trong việc chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, giảm thu ngân sách, nguy cơ doanh nghiệp (DN) nội địa sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu nhựa PP phá sản, người lao động mất việc, an sinh xã hội bị ảnh hưởng.

Bởi lẽ theo tính toán của hiệp hội này, với giá nhập khẩu hiện tại, nếu tăng thuế lên 5% thì chi phí phát sinh mà DN nhựa nhập khẩu từ các nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... phải chi trả dự kiến trong 5 năm tới trên 1.200 tỷ đồng. Mặc dù khi tăng thuế nhập khẩu, các DN có thể chuyển sang mua nguyên liệu nhựa PP từ các nước trong khu vực FTA. Tuy nhiên, DN Việt Nam khi đó không thể mua nguyên liệu nhựa PP với giá như trước đây (mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu từ khu vực này là 0%) vì người bán sẽ nâng giá bán lên tương ứng với giá của các nước ngoài khu vực FTA.

Chi phí phát sinh lúc đó mà DN phải chi trả dành cho các nước trong khu vực FTA dự kiến trong 5 năm tới sẽ là 3.628 tỷ đồng. Hệ quả sẽ xảy ra là giá thành sản phẩm tăng, không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo Chủ tịch HĐQT Nhựa Rạng Đông kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Hồ Đức Lam, với thực trạng ngành nhựa hiện nay, các sản phẩm sẽ liên quan đến áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường. Thêm nữa, các DN nhỏ và vừa ngành nhựa Việt Nam đang gặp khó khăn khi cạnh trạnh về giá với hàng hóa Trung Quốc.

Đáng lưu ý, trước diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nguy cơ sẽ có hàng trăm DN ngành nhựa Việt Nam tạm ngừng sản xuất và hàng ngàn công nhân mất việc do hàng hóa Trung Quốc phá giá hay có ý đồ lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “made in Vietnam” để né tránh thuế. Đó là những thách thức không hề nhỏ mà đa phần DN ngành nhựa trong nước đang phải đối diện, nếu thiếu sự hỗ trợ và tạo điều kiện kinh doanh của các cơ quan hữu quan thì việc tồn tại còn khó chứ chưa nói tới việc vươn lên nắm lấy cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Do đó, việc tăng thuế nguyên liệu nhựa PP trong giai đoạn này sẽ vô tình tăng thêm sức mạnh cho hàng ngoại trong việc chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, tăng nguy cơ DN nội sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu nhựa PP phá sản, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục