Cân nhắc tăng gấp đôi mức phạt tiền trong vi phạm giao thông ở TPHCM

Ngày 11-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp cùng Công an TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn TPHCM.

Tham dự có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phan Kiều Thanh Hương; Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM cùng lãnh đạo các ban ngành trên địa bàn.

Dự thảo Nghị quyết gồm 3 chương 8 điều. Dự thảo áp dụng khung tiền phạt gấp 2 lần so với khung tiền phạt của Nghị định 100 hiện hành, nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đánh mạnh vào ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Phạm vi không gian để áp dụng khung tiền phạt bao gồm tuyến đường vành đai và toàn bộ các đường bên trong tuyến vành đai.

Cân nhắc tăng gấp đôi mức phạt tiền trong vi phạm giao thông ở TPHCM ảnh 1 Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Phòng PC08, Công an TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÍ THẠCH 

Khu vực nội thành để áp dụng khung tiền phạt gồm tuyến đường vành đai được xác định là: Quốc lộ 1 (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh đến giao lộ Quốc lộ 1 - Xa lộ Hà Nội) - Xa lộ Hà Nội (đoạn từ Quốc lộ 1 - Xa lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) - đường Mai Chí Thọ - đường Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công) - đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) - cầu Phú Mỹ - đường Trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) - đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tá Đoàn Văn Quới cho biết, những năm gần đây tình hình trật tự an toàn giao thông cả nước nói chung và TPHCM nói riêng diễn biến khá phức tạp.

Mặc dù đã được các cấp, đoàn thể, tổ chức quan tâm, tập trung nhiều giải pháp với quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; thế nhưng tai nạn giao thông đã cướp đi biết bao sinh mạng, để lại thương tâm cho nhiều gia đình. Hậu quả đó trở thành gánh nặng gây bức xúc cho toàn xã hội. Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây rối khiến cho trật tự công cộng ngày càng phức tạp thêm…

Phó Trưởng Phòng PC08 chia sẻ, TPHCM là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh ĐBSCL với nhiều trục đường quốc lộ quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13, Quốc lộ 50… Người tham gia giao thông và chủng loại có mật độ cao nên sự đa dạng, phức tạp về trật tự giao thông tại TP khác biệt hơn các tỉnh khác… Vì thế cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Cân nhắc tăng gấp đôi mức phạt tiền trong vi phạm giao thông ở TPHCM ảnh 2 Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng tình rằng, TPHCM là một địa bàn đặc thù, có đối tượng, chủng loại phương tiện và mật độ giao thông đa dạng, phức tạp. Cho nên, việc xử lý vi phạm giao thông cũng cần có quy định riêng để phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, luật sư Hậu cho rằng, việc thông qua dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn TPHCM còn nhiều vấn đề cần cân nhắc. Đồng thời, cần xem xét kỹ lưỡng về thời điểm cũng như về quy trình, nội dung, cần phải có thời gian để tổng kết, đánh giá một cách tổng thể,…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, hiện nay nhiều tuyến đường đang có sự mâu thuẫn giữa các loại hình thức báo hiệu giao thông khiến người dân bức xúc, và cho rằng bị bẫy để xử phạt hành chính. Ví dụ, tại ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tôn Đức Thắng, theo hiệu lệnh của vạch kẻ đường (dưới mặt đường) cho phép rẽ trái nhưng ở giao lộ lại có hiệu lệnh của biển báo hiệu cấm rẽ trái. Tương tự, đoạn giao Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận, theo hiệu lệnh của vạch kẻ đường (dưới mặt đường) thì cho phép đi thẳng và rẽ trái nhưng ở đây cũng đồng thời có hiệu lệnh của biển báo hiệu cấm rẽ trái…

Việc tìm cách thông qua dự thảo Nghị quyết trên với mức xử phạt cao gấp đôi trong thời điểm này chưa phù hợp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chiến sự, lạm phát, giá xăng dầu tăng… Đây là thời điểm nhạy cảm, người dân đang có rất nhiều khó khăn và chật vật tìm cách hồi phục sau đại dịch Covid-19, việc đánh giá tác động cần cân nhắc phản ứng từ người dân. Các đơn vị cần suy nghĩ, cân nhắc vấn đề tăng mức xử phạt nhằm tránh những ảnh hưởng không tốt trong dư luận.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: CHÍ THẠCH 

Nhiều đại biểu nêu ý kiến ủng hộ việc sớm triển khai dự thảo bởi việc tăng số tiền xử phạt sẽ thúc đẩy người tham gia giao thông chấp hành tốt pháp luật hơn, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, góp phần tăng cường trật tự an toàn giao thông đường bộ và bảo vệ tính mạng con người.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị lấy ý kiến của người dân, các sở ban ngành với nghị quyết này; phải thống nhất nội đô, nội thành; bất cập tổ chức giao thông; mức phạt và khung tiền phạt; tuyên truyền về nghị quyết;…

Thượng tá Đoàn Văn Quới cho biết, Công an TPHCM đã ghi nhận những ý kiến đóng góp. Về việc đánh giá lại hiệu quả của Nghị định 100 hiện hành, Thượng tá Đoàn Văn Quới cho biết sẽ cập nhật số liệu, bổ sung vào dự thảo.

Về vướng mắc giữa 2 khái niệm “nội đô” và “nội thành”, Công an TPHCM ghi nhận và sẽ xem xét lại để định nghĩa cho phù hợp. Đồng thời, việc lấy ý kiến người dân về dự thảo tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông trong nội thành TPHCM gấp đôi sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục