Cân nhắc bỏ quy định riêng về đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương

Tại Tờ trình số 86/TTr-BCA của Bộ Công an về dự thảo Luật Cư trú, Bộ Công an đề nghị cho ý kiến về việc nên hay không nên tiếp tục giữ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Tờ trình số 86/TTr-BCA của Bộ Công an về dự thảo Luật Cư trú (vừa được gửi đến Bộ Tư pháp để thực hiện thẩm định), với dự thảo Luật sửa đổi, nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ công dân sẽ được đơn giản hoá theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề lớn có ý kiến khác nhau, trong đó có điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương.

Luật Cư trú hiện hành đã quy định thêm 2 điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh những điều kiện chung đối với tất cả các địa phương.

Cụ thể, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên; trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên; đăng ký vào quận nội thành Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô là phải tạm trú từ 3 năm trở lên. Bên cạnh đó, nơi cư trú phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố…

Theo Bộ Công an, việc quy định các điều kiện chặt chẽ trong đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ góp phần hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú; đồng thời, chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm tác động cơ học của tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn.

Nên hay không nên tiếp tục giữ quy định riêng này – Bộ Công an nêu vấn đề.

Vấn đề thứ hai là, bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú.

Bên cạnh 5 trường hợp hiện hành (người bị chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; đã có quyết định hủy đăng ký thường trú; ra nước ngoài để định cư; đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới), dự thảo Luật đề xuất thêm 5 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú, gồm: Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú; người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình;

Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở là do được thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa;

Người đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, kê biên, tịch thu và người đã bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện khác là chỗ ở dùng để đăng ký thường trú bị xóa đăng ký thường trú sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện đó; trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú;

Người đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam; bị tước, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Đề xuất thêm các trường hợp này là để phù hợp với thực tiễn và tăng cường công tác quản lý cư trú được chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú) tác động đến công tác hoạch định chính sách về kinh tế - xã hội của địa phương, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác.

Tin cùng chuyên mục