Cần một thế hệ trẻ tử tế và văn minh

Những ngày mà thông tin, sự quan tâm khắp nơi đổ dồn về dịch Covid-19, có không ít những người trẻ dùng mạng xã hội đẩy tình hình thêm rối ren với những dòng fake news (tin giả), những cuộc “tấn công” trên mạng xã hội vào những người nhiễm Covid-19 không khai báo y tế trung thực.
Một trong những trang mạng xã hội được lập để “ném đá” người nổi tiếng
Một trong những trang mạng xã hội được lập để “ném đá” người nổi tiếng

Nhân danh “anh em xã hội”

Những năm gần đây, một góc khuất của thế giới ảo nhưng hậu quả thật, khiến không ít người hoảng sợ, đó chính là những cuộc “ném đá online”, “thà diệt nhầm còn hơn bỏ sót”...

Hậu quả của việc dư thời gian nhưng thiếu nhận định, thừa câu chữ nhưng thiếu kiên nhẫn, bình tĩnh để tìm hiểu sự việc… đã kéo theo những người không liên quan bị vạ lây. Nhiều bạn trẻ gọi đó là quyền lực của “anh em xã hội”.

Bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 sai khi không khai báo y tế kịp thời, ngay lập tức trên mạng xã hội bắt đầu một cuộc truy tìm trang cá nhân, thông tin, người thân, bạn bè của cô gái này. Những lời chỉ trích, chửi rủa trên trang cá nhân vẫn không ngừng sau ngày bệnh nhân nhập viện và trình báo y tế.

Khi buông những bình luận “ném đá” hay mạt sát một cá nhân nào đó, với họ, đám đông được mặc định là đúng. Chuyện a dua cùng chửi, không cần phải mang lại giá trị hay lợi ích, đôi khi chỉ để “cho vui”, “cho giống cộng đồng”.

Và có lẽ trong một cộng đồng cùng chửi, ném đá ai đó, người ta lại có cảm giác an toàn, bởi việc làm của họ rất nhỏ, nếu có nhầm lẫn, sai sót hay gây ra hậu quả thì lỗi do cộng đồng chứ không riêng tài khoản cá nhân nào. Một số người ẩn sau những tài khoản ảo trên mạng xã hội, chực chờ tấn công những ai mà họ ghét, kể cả những người bị ghét nhầm.

Lý do để nhận “gạch đá online” đôi khi không hẳn là bản thân người trong cuộc đã sai, như chuyện bệnh nhân thứ 32 thuê chuyên cơ riêng về nước để đảm bảo an toàn và không lây nhiễm cho cộng đồng cũng bị mạt sát.

Sau khi thông báo tình hình sức khỏe, cô gái trẻ (bệnh nhân thứ 32) lập tức nhận những bình luận chửi bới và phải khóa trang cá nhân ngay sau đó. Hay những chuyện thuộc về quyền riêng tư của mỗi người, không liên quan đến đám đông trên mạng xã hội, nhưng vẫn bị “ném đá”.

Như chuyện vợ chồng một ca sĩ nổi tiếng quyên góp 50 triệu đồng giúp đồng bào miền Tây Nam bộ chống hạn mặn, cũng bị “anh em xã hội” thóa mạ, đay nghiến là giàu mà ky bo.

Anh Trần Văn Thêm (nhân viên siêu thị ở quận 3, TPHCM) nói: “Của ít lòng nhiều, không biết mấy người đi chửi bới người khác như vậy có góp nổi 10.000 đồng giúp bà con hay không. Kiểu a dua, “chửi hôi” như vậy giờ nhiều kể không hết”.  

Ích kỷ và thiếu niềm tin 

Vì chút ích kỷ để lợi ích cho bản thân trong chuyện kinh doanh online, hay tệ hơn chỉ là câu view, một số bạn trẻ liên tục tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh lên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang. 

Cơ quan chức năng đã phải gồng mình với “cuộc chiến” chống lại tin giả, để tránh làm hoang mang tinh thần dẫn đến những rối ren không đáng có trong xã hội.

Đến nay, đã có hơn 200 trường hợp bị xử phạt vì tung tin thất thiệt về dịch bệnh, đa phần trong số đó là những gương mặt vừa mới đôi mươi. Sai lầm thì phải trả giá, tuy nhiên hậu quả mà nó gây ra là điều khó có thể lường hết. 

Chạy theo những trào lưu hay xu hướng giải trí thời thượng nước ngoài, không ai nhạy bén hơn giới trẻ. Tuy nhiên, khi đối mặt những vấn đề trong nước, không ít người lại vọng ngoại và không có niềm tin.

Sau khi TP Hà Nội công bố ca đầu tiên dương tính với Covid-19 (là ca thứ 17 trong cả nước), một thảm cảnh ảm đạm được vẽ bởi không ít người trẻ bằng những bình luận: “Hà Nội toang thật rồi”, “Toang!”, “Toang hết rồi”… Từ “toang” vẫn không ngừng lặp đi lặp lại sau khi TPHCM quyết định tạm ngừng các tụ điểm vui chơi, giải trí từ ngày 15-3.

Hễ có thêm một ca nhiễm, một thông báo hay quyết định nào từ cơ quan nhà nước thì điệp khúc “toang” lại được nhiều người trẻ bắt đầu. Trong khi ngành y tế và các cơ quan chức năng cố gắng để kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất có thể, từ “toang” với hàm nghĩa đổ vỡ lại được các bạn trẻ liên tục sử dụng như một thuật ngữ thời thượng và đang “hot”.

Khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận và chữa khỏi, không ít tin giả từ một số bạn trẻ lại đồn đoán chuyện Nhà nước đang giấu dịch, nhưng giấu để làm gì và lợi ích gì thì không ai trả lời được, những dòng tin không căn cứ, cứ vậy mà được share (chia sẻ), được like (thích) liên tục.

Có lẽ sẽ rất buồn khi phải nói điều này trong Tháng Thanh niên - tháng dành riêng cho sự nhiệt huyết và sôi nổi của tuổi trẻ, nhưng đến một lúc nào đó, người ta chưa cần phải bàn đến chuyện công trình hay nghiên cứu sánh tầm châu lục, mà người ta cần một thế hệ trẻ thực sự tử tế và văn minh; một thế hệ biết tin tưởng và tự hào về quê hương, nguồn cội; một thế hệ ứng xử tử tế ngay trên mạng xã hội lẫn cuộc sống hàng ngày.

Tin cùng chuyên mục