Cần kíp cơ giới hóa nông nghiệp

Ngành nông nghiệp nước ta, dù đầu tư nhiều máy móc, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhưng sản phẩm vẫn chưa đạt chất lượng cao và giá thành sản xuất cao. Nguyên nhân là do cơ giới hóa, công nghệ trong sản xuất chưa đồng bộ, chỉ cần thiếu một khâu sẽ làm “bộ máy” hoạt động không hiệu quả.
Ứng dụng cơ giới vào thu hoạch lúa ở ĐBSCL
Ứng dụng cơ giới vào thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Với hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, ông Nguyễn Văn Khải (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, hiện nay mua máy móc trong nông nghiệp rất dễ, chỉ cần có tiền là mua được. Do vậy, hàng năm có rất nhiều trường hợp tai nạn lao động trong khi sử dụng máy móc trong nông nghiệp. Đơn giản, những người này không được đào tạo qua trường lớp mà chỉ được hướng dẫn từ các công ty mua bán. Dẫn chứng là gần 20 năm qua, ngành cơ khí nông nghiệp của trường không tuyển sinh được sinh viên nên không thể mở lớp đào tạo. 

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, thời gian qua, dù tốc độ trang bị cơ giới hóa có bước tiến rất lớn nhưng vẫn chưa đồng bộ chuỗi sản xuất. Đơn cử, trong lúa gạo có khâu làm đất, gieo sạ, máy gặt đập liên hợp đã tăng, nhưng còn thiếu máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Đối với nuôi trồng thủy sản, cơ giới hóa còn yếu nên chưa đáp ứng được trước tình hình biến đổi khí hậu. Nhiều nông dân liên kết với nhau nhưng chưa quan tâm đến hạ tầng, công nghệ, máy móc… Bên cạnh đó, các chính sách thật sự chưa mang lại hiệu quả cho nông dân. Do vậy, để có một nền nông nghiệp phát triển cần phải cơ giới hóa trong các khâu, lĩnh vực với nhau.

Có thể nói, chế biến sau thu hoạch mang lại giá trị giá tăng rất cao, nhưng do các khâu đều thiếu máy móc nên sản phẩm đơn sơ. Cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa mạnh do thiếu các tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất các doanh nghiệp chuyên đầu tư về cơ giới hóa lại không có liên kết được hợp tác xã, không kết nối được vùng sản xuất… Các khâu cơ giới hóa không phải chỉ một HTX mà cần đến nhiều HTX, trở thành cụm liên hoàn từ chế biến, logistics… Mỗi sản phẩm cần có sự lựa chọn mô hình công nghệ cho phù hợp để đảm bảo chất lượng. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp cần đầu tư nghiên cứu phát triển máy móc, công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, cơ giới hóa bằng năng lượng mặt trời… vận hành vào sản xuất.

Hiện nay, một số nước không có diện tích sản xuất nông nghiệp nhưng nhờ đầu tư cơ giới hóa nên trở thành quốc gia không những sản xuất mà còn xuất khẩu. Điển hình, Nhật Bản sớm ban hành Luật Cơ giới hóa nông nghiệp làm cơ sở pháp lý, nhằm khuyến khích thành lập các tổ chức mua sử dụng chung máy móc thiết bị. Hàn Quốc hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, khuyến khích lập các tổ cơ giới hóa nông nghiệp, vừa cho vay hỗ trợ lãi suất và trợ cấp tiền mua máy. Có một điểm khá nổi bật là toàn bộ máy móc dùng trong nông nghiệp đều được sản xuất tại Hàn Quốc, không nhập ngoại. Trung Quốc hỗ trợ chính sách phù hợp trợ cấp cho nông dân trong việc mua máy móc nông nghiệp như: vay không lãi suất, kinh phí mua theo từng giai đoạn phát triển, điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên công nghiệp hóa...

Thái Lan ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp như: miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mới đầu tư, nâng mức lương khởi điểm của cán bộ khoa học - công nghệ, miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ của nước ngoài; khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, nông dân mua máy do trong nước chế tạo với chế độ bảo hành, sửa chữa miễn phí từ 1-3 năm.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cuối năm 2020, cơ giới hóa trong nông nghiệp nước ta phải thực hiện đồng bộ hóa, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến. Để đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành 10 nước đứng đầu thế giới về chế biến nông sản. Để làm được điều này, Bộ NN-PTNT đã tham mưu, xây dựng chiến lược cơ giới hóa, nâng cao nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, phù hợp trong giai đoạn sản xuất mới. Cụ thể, bộ đang đề xuất với Chính phủ xây dựng nghị định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong nghị định sẽ có phần tổ chức sản xuất lại để nâng cao giá trị sản phẩm; các chủ thể sản xuất phải đưa ứng dụng công nghệ trong sản xuất, hướng tới chuyển giao công nghệ. Kèm theo đó là các chính sách để khuyến khích được doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư công nghệ; người sử dụng cơ giới trong nông nghiệp cần có bằng đào tạo…

Tin cùng chuyên mục