Cần giải pháp mới để cải cách, cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh

Ngày 3-3, hơn 300 đại diện từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đã tham dự hội nghị “Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” với điểm cầu chính tại Hà Nội. Hội nghị do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và phối hợp với Bộ KH-ĐT tổ chức.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông và bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam, hội nghị đã giới thiệu những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 02, nhấn mạnh vào việc dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, từ năm 2014 đến nay, cải thiện môi trường kinh doanh đã được Chính phủ xác định là trọng tâm cải cách. Thông qua Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014 - 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019 - 2021, Chính phủ đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể, dựa vào các chỉ số của các tổ chức quốc tế có uy tín như chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cẩu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hay chỉ số xếp hạng phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (UN). 

Thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tháo gỡ nhiều rào cản, cải thiện môi trường đầu tư trong và ngoài nước. Chẳng hạn, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan giảm từ khoảng 26% xuống còn 19%. Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu cũng được nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên, nhiều nhược điểm quan trọng trong môi trường kinh doanh vẫn tồn tại. Thêm vào đó, hơn 2 năm trở lại đây, do phải ưu tiên cao độ cho phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ sinh mạng người dân, tiến trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã chậm lại. Một số biện pháp chống dịch khá cực đoan áp dụng chỗ này chỗ khác ở những thời điểm nhất định đã “hồi sinh” một số giải pháp kiểm soát doanh nghiệp đã bị bãi bỏ từ lâu hoặc hay bổ sung các điều kiện kinh doanh mới…

Thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng năm 2021 so với năm 2020 đã tụt hạng: chỉ số đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ vị trí 42 xuống vị trí 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ 73,8 điểm xuống 72,8 điểm và từ thứ hạng 49 xuống thứ hạng 51). Đặc biệt, quyền tài sản vừa giảm điểm vừa giảm bậc (từ 5,132 điểm xuống 4,995 điểm và giảm 6 bậc từ vị trí 78 xuống vị trí 84); cảm nhận tham nhũng giảm tới 8 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 104)…

Chính vì thế, nhiệm vụ cải cách, cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Các ý kiến tại hội nghị đều nhấn mạnh, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu (thậm chí còn quan trọng hơn cả các gói hỗ trợ doanh nghiệp) đối với phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận định.

Theo bà Thảo, Nghị quyết 02 năm nay, với 10 nhóm giải pháp toàn diện trong 10 lĩnh vực then chốt, được coi là sẽ chạm vào lãnh địa xin - cho của nhiều bộ, ngành. Đã có những dấu hiệu cho thấy tác động của Covid-19 có thể sẽ tiếp tục là lý do để các bộ, ngành, địa phương chưa tập trung thực thi ngay các nhiệm vụ mà Nghị quyết 02/2022/NQ - CP giao.

“Tại hội nghị ngày 3-3, vẫn còn tới 13 địa phương  chưa gửi kế hoạch hành động cụ thể về Bộ KH-ĐT”, bà Thảo cho biết.

Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng cần có hình thức thúc đẩy thực thi mạnh mẽ, ráo riết hơn nữa để Nghị quyết 02 sớm đi vào thực tế, phát huy hiệu quả cao nhất.

Tin cùng chuyên mục