Cần giải pháp cho vấn nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội

Bên lề phiên họp chiều 8-6, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ quan điểm với báo chí về giải pháp cho vấn nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, với tốc độ gia tăng phương tiện luôn ở mức 16-18%/năm, dân số mỗi năm thêm 200.000 người, “vấn đề tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông của Hà Nội ai cũng muốn làm, nhưng tiền đâu để đầu tư hạ tầng giao thông là câu hỏi khó”.

Ông Hoàng Trung Hải nói: “Đến giờ chúng ta cũng chưa mường tượng được tốc độ tăng của nhu cầu đi lại sẽ thế nào. Những năm vừa qua, tốc độ gia tăng phương tiện toàn 16-18%/năm, tăng cả ô tô lẫn xe máy. Trong đó, ô tô cũng tăng, có rất nhiều vấn đề của ô tô chứ không chỉ giải quyết được xe máy là xong đâu.

Một giải pháp là nâng cấp hạ tầng giao thông, một việc vô cùng tốn kém. Chỉ một đoạn ngắn của đường vành đai 1 Hoàng Cầu -  Voi Phục đã “ngốn” 7.300 tỷ đồng. Đường sắt đô thị thì cả tuyến sẽ tiêu tốn khoảng 38 tỷ USD. Cả thành phố còn hàng loạt dự án phải tính, như tuyến vành đai 2,3, 3,5, 4,5, rồi các tuyến xuyên tâm… đều phải đầu tư thêm. Ngoài ra, từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ tăng thêm 62 tuyến xe buýt. Hiện tại, hàng năm, thành phố phải bù lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng cho xe buýt, tới đây sẽ còn lên đến 2.000 tỷ, nhưng vẫn phải làm. Vậy thì làm được gì với chỉ 30.000 tỷ đồng ngân sách được cấp mỗi năm? 

Giải pháp giãn dân chúng tôi cũng đang làm, nhưng muốn đưa dân ra ngoài cũng phải rót tiền, phải mở rộng cơ sở hạ tầng và còn phải xây dựng thói quen chứ không ai tự nhiên muốn ra ngoại thành ở cả. 

Trong quy hoạch, Hà Nội còn 5 khu đô thị vệ tinh nữa (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn), cần phải thay đổi phương cách đầu tư. Hiện cũng đã có nhà đầu tư nhận làm đô thị vệ tinh, nhận lo luôn đường sắt nối khu vệ tinh với đô thị trung tâm. Nhưng có làm thì việc đó cũng mất cả chục năm chứ không đơn giản muốn là được ngay.

Chính vì vậy, Hà Nội đã đề ra cơ chế là 80/20, tức ngân sách thành phố chỉ lo được 20% vốn đầu tư theo yêu cầu, còn lại 80% phải huy động từ xã hội, bằng cách tạo môi trường, cơ chế, điều kiện hấp dẫn để nhà đầu tư quan tâm, quyết định đầu tư.

Hiện tại có không ít nhà đầu tư đưa ra các ý tưởng nhưng quy trình đầu tư, các thủ tục để có thể tiến hành cũng rất lâu, mỗi dự án cũng phải khoảng... 10 năm. Vừa qua, Hà Nội cho triển khai một số dự án hợp tác công – tư, nhưng đều là các dự án có từ 12 năm trước rồi, từ thời còn tỉnh Hà Tây. Khi đó, có cả trăm dự án đề ra mà không làm được, trong đó nhiều dự án do năng lực nhà đầu tư không đáp ứng, cũng có dự án chỉ là xếp chỗ để đấy, thành phố phải giải quyết từng bước, thu hồi lại sau đó kêu gọi nhà đầu tư khác.

Hà Nội vừa rồi đề xuất một số cơ chế đặc thù cho các dự án giao thông quan trọng của thành phố chính là để làm nhanh những dự án này, vì sức ép thực tế đã rất lớn. Toàn thành phố có rất nhiều điểm cần kết nối trên hệ thống, không chỉ ở những tuyến lớn, các đại lộ hay quốc lộ huyết mạch mà còn kết nối từ các khu đô thị lớn, các khu sản xuất tập trung…

Nếu tổ chức hệ thống kết nối tốt, hiệu quả sẽ thay đổi nhiều nhưng khi triển khai làm, chỉ riêng về thủ tục cũng đã vướng, mà làm tắt thì lại không đúng luật. Vì vậy, thành phố muốn có một cơ chế đặc thù để có thể thúc đẩy nhanh các dự án, giải quyết nhanh được những điểm nghẽn vì đây đều là những dự án gần như là “cấp cứu”, nếu không giải quyết ngay thì không đáp ứng được những nhu cầu đang rất cấp bách, bức xúc của cuộc sống”.

Tin cùng chuyên mục