Cân đối nguồn lực đất đai cho dự án phúc lợi

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã khuyến cáo về việc một số quận - huyện đã không kê khai hết tài sản đất công, báo cáo UBND TP như quy định, tại buổi giám sát của HĐND TP về việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất vào ngày 30-6.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: VOH
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: VOH

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Sai phạm vì “tin tưởng”, “khoán trắng”

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết, đối với đất công thuộc diện quản lý, xử lý thu hồi thuộc đối tượng sắp xếp theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Nghị định 167), theo thẩm quyền TP đã phê duyệt 10.832 mặt bằng nhà đất. Trong đó, tiếp tục sử dụng là 6.597 mặt bằng, thu hồi 197 mặt bằng (mới thu hồi được 169 mặt bằng). Đối với nhà đất đã được UBND TP phê duyệt cho bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 1.597 địa chỉ.

Tuy nhiên, thực tế nhiều mặt bằng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đã được giao quản lý sử dụng nhưng lại bố trí cho cán bộ - công nhân viên ở, cho thuê kinh doanh, hợp tác kinh doanh sai mục đích, trái quy định… Chỉ tính riêng năm 2016 - 2017, Thanh tra TP, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các công ty, tổng công ty nhà nước, đã phát hiện có 86 mặt bằng sử dụng sai phạm. Về sai phạm mục đích sử dụng có 80 mặt bằng, trong đó sử dụng không đúng mục đích là 9 mặt bằng, cho thuê trái phép 32 mặt bằng, không quản lý bỏ trống gây lãng phí 24 mặt bằng, để xảy ra lấn chiếm 1 mặt bằng, vừa cho thuê trái phép vừa bỏ trống 1 mặt bằng…. Sai phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 4 mặt bằng… Từ các sai phạm trên, cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về ngân sách là 6,9 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi 6 mặt bằng để bán đấu giá.

Ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận việc hạn chế trong quản lý đất công trên địa bàn TP là quản lý không chặt, biểu hiện khoán trắng, tin tưởng vào sự quản lý trực tiếp của các đơn vị, xử lý không nghiêm, cho đến giờ này xử lý cũng chưa nghiêm. Các quận - huyện, các công ty, các trung tâm giao quản lý công sản trong thời gian qua có những biểu hiện kê khai không đầy đủ, thiếu hiểu biết cũng có nhưng cố tình cũng có, “thậm chí rất nhiều các anh chị không biết sợ là gì”. “Mặc dù thanh tra đã kiểm tra xử lý nhưng thấy rằng cần phải xử lý nghiêm khắc hơn nữa, chứ không để tình trạng đất công trên địa bàn quận - huyện lại không kê khai đầy đủ, các công ty tự động cho thuê. Chúng tôi sẽ thanh tra, xử lý, làm nghiêm những trường hợp vi phạm”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Một tài nguyên đất khác được các đại biểu chất vấn tại buổi giám sát là lãng phí rất lớn quỹ nhà đất tái định cư. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, giải thích, thời gian qua TP dùng ngân sách đầu tư xây dựng nhà tái định cư hoặc mua lại nhà, đất làm quỹ nhà tái định cư.

Từ năm 2006 đến 2017, TP đầu tư xây dựng và mua lại 40.052 căn hộ và nền đất tái định cư, đã bố trí 26.122 căn hộ và nền đất để tái định cư. Tóm lại, tổng quỹ nhà đất đã bố trí là 65%, còn lại chưa sử dụng và nhà nước đang quản lý là 13.930 căn hộ (trong đó có 3.625 nền đất). Nguyên nhân dư thừa là do thay đổi chính sách tái định cư, người dân không nhận vì khu tái định cư xa với nơi ở cũ, không đảm bảo tiện ích. TP đã chỉ đạo giữ lại 5.085 căn hộ và 3.439 nền đất để tiếp tục giao cho quận - huyện bố trí tái định cư bởi 153 dự án đang và chuẩn bị triển khai trên địa bàn TP. Số lượng căn hộ và nền đất tái định cư còn lại là 5.406 căn và nền đất (186 nền) sẽ đấu giá để thu hồi nguồn vốn cho ngân sách.

Đấu giá từng lô đất Thủ Thiêm, đấu thầu dự án BT

Nhằm khai thác tốt nguồn lực tài nguyên đất, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, quan điểm của TP trong thời gian tới đất đai là phải đấu giá, dự án phải đấu thầu minh bạch để chọn nhà đầu tư. Chỉ định thầu chỉ thực hiện với trường hợp phục vụ công ích, quốc phòng, an ninh. Đối với 9 lô đất còn lại ở Thủ Thiêm, TP sẽ làm hạ tầng đầy đủ trước khi đấu giá, cân nhắc đấu giá từng lô, hạn chế tình trạng trúng thầu nhưng không triển khai dự án. Việc đấu giá từng lô sẽ phù hợp năng lực của các chủ đầu tư. Việc này TP đã có kế hoạch, triển khai khẩn trương, sẽ xin HĐND TP bố trí nguồn vốn khoảng 700 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông.

UBND TP đã tham mưu Thành ủy rà soát lại quy trình đầu tư BT, làm thế nào việc sử dụng quỹ đất BT phải chặt chẽ, đúng giá thị trường. Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu TP quy trình làm BT mới, từ khâu đấu thầu chọn nhà đầu tư đến việc đàm phán xác định ranh đất… TP sẽ chọn 1 hoặc 2 dự án cầu đường làm thí điểm dự án BT và báo cáo Thành ủy và HĐND TP.

UBNDTP sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất. Sở TN-MT có nhiệm vụ nắm cụ thể diện tích, ranh, đơn vị đang sử dụng, đúng hay sai theo chỉ đạo của Thành ủy. Nâng cao năng lực điều hành của UBND TP về quản lý tài nguyên đất. TP sẽ kiến nghị Chính phủ các chính sách về thu hồi đất, bởi TPHCM là đô thị đặc biệt, việc áp dụng cào bằng như các địa phương khác sẽ rất khó, dễ dẫn đến chậm trễ, gây khiếu nại, khiếu kiện.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phải chấn chỉnh và thống nhất công tác quản lý kịp thời, không thể chấp nhận thực trạng mạnh ai nấy quản lý, mạnh ai nấy cho thuê đất công, áp giá cho thuê từ năm 1994 tới nay mà chưa thay đổi…

Quy hoạch kém vì vô cảm của cán bộ

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định: Hạn chế lớn nhất là công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ, còn chậm; quy hoạch chưa sát thực tiễn, có tắc trách, vô cảm của một bộ phận cán bộ. TP phải cân đối nguồn lực đất đai cho dự án phúc lợi, công ích của nhân dân. Nếu chạy theo phát triển kinh tế mà không quan tâm đến an sinh xã hội, phúc lợi của nhân dân thì tăng trưởng đó không bền vững. Phải nhất quán quan điểm, khu đất đã quy hoạch cho giáo dục, cho công viên, cho văn hóa… là phải bảo vệ. Trong trường hợp bất khả kháng mới điều chỉnh, nhưng phải có quy hoạch bù.

Rút kinh nghiệm việc giao đất cho nhà đầu tư thiếu năng lực

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tự nhận, TP phải rút kinh nghiệm liên quan đến sự tham mưu của các sở ngành trong việc giao đất cho các chủ đầu tư làm dự án. Hiện nay ranh giới phân biệt nhà đầu tư có năng lực và không có năng lực còn nặng về hình thức hành chính. Trên thực tế, khi xem một nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm, tất cả về hồ sơ thì nghe rất đủ nhưng khi chấp thuận đầu tư rồi thì thực tế cho thấy chủ yếu là chuyển nhượng dự án. Tiếp đó, những sai phạm trong quá trình giao đất, dẫn đến khiếu nại của người dân.  

Tin cùng chuyên mục