Căn cơ việc giải quyết nợ xấu

Qua gần 5 năm triển khai các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tạo ra những chuyển biến tích cực: nợ xấu của các TCTD đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức dưới 2%.

Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro; các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (từ ngày 15-8-2017) đến 31-12-2021, xử lý nợ xấu đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình trước đó.

Như vậy, có thể nói, Nghị quyết số 42 đã tạo cơ chế xử lý hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm. Tác động lớn nhất khi triển khai thực thi nghị quyết là đã làm thay đổi nhận thức xã hội về hoạt động vay - trả. Cách thức quản lý điều hành cũng được nắn chỉnh theo đúng quỹ đạo pháp quyền. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong trường hợp này là đảm bảo hoạt động cho vay được thực hiện theo đúng hợp đồng và nếu việc thu hồi tài sản bảo đảm được xác nhận là đúng pháp luật thì phải hỗ trợ TCTD để việc thu hồi đó được diễn ra êm thấm, chứ không phải ngăn chặn việc thu hồi tài sản bảo đảm với lý do “giữ gìn trật tự an ninh xã hội”.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 chỉ thí điểm trong 5 năm (ngày 15-8 nghị quyết sẽ hết hiệu lực thi hành), điều này sẽ không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các TCTD bởi sự gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích. Bên cạnh đó, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) không được kịp thời tháo gỡ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt là quá trình xử lý TCTD yếu kém. Mặt khác, do việc thu hồi tài sản bảo đảm có liên quan đến các quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự nên việc xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các TCTD là hết sức cần thiết. Trong thời gian chờ xây dựng, thẩm định, thẩm tra, ban hành đạo luật này, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, trước mắt cần kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 trong giai đoạn 2022-2025.

Cuối cùng, với tính chất là một nghị quyết cho phép áp dụng thí điểm, trong quá trình thực hiện, Nghị quyết số 42 cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định như việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu; quyền thu giữ tài sản bảo đảm, trong đó có cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn; quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm... Tất cả những vướng mắc này cần được nghiên cứu kỹ để có hướng giải quyết khi tiến hành luật hóa Nghị quyết số 42. Nhiệm vụ này càng cấp thiết hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của khách hàng, dẫn đến nợ xấu tăng cao.

Tin cùng chuyên mục