Cần có quy định rõ đối với các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản

Chiều 7-9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, các ĐB tập trung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Thảo luận tại hội nghị, đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới. Một trong những điểm quan trọng nhận được nhiều ý kiến thảo luận là quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ.

ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho rằng, dự thảo luật đưa ra các quy định giúp kiểm soát dòng tiền ra - vào, phòng ngừa hành vi rửa tiền và cơ bản kiểm soát dòng tiền giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Thực tế vẫn tồn tại hình thức giao dịch bằng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực bất động sản nhưng chưa rõ căn cứ, công cụ và hành lang pháp lý để cơ quan quản lý ngăn chặn hành vi rửa tiền, kể cả rửa tiền từ bên ngoài vào và từ trong nước ra ngoài. Trong khi đó, nếu có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra mới vào cuộc làm rõ. Lúc này tội danh (nếu có) sẽ được xem xét gắn với tội danh khác, như tội hợp thức hoá tài sản. Điều đó có nghĩa, dự luật chỉ đạt được góc độ nào đó kiểm soát được hành vi rửa tiền của dòng tiền qua ngân hàng, còn các dòng tiền không qua kênh này thì khó kiểm soát được.

Cần có quy định rõ đối với các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản ảnh 1 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trao đổi với các đại biểu, chiều 7-9. Ảnh: QUANG PHÚC

Đề cập tới các giao dịch đáng ngờ trong bất động sản, ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị các cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính làm rõ hoạt động giao dịch này.

Có thể sẽ có những hành vi rửa tiền qua chứng khoán rồi rút tiền ra mua bất động sản, nên cần xác định nguồn gốc nguồn tiền dành mua bất động sản này. Nhưng quy định tại Điều 33 dự thảo luật còn đơn giản, khó xác định được hành vi này có rửa tiền hay không. ĐB nghị cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan thuế trong các giao dịch dạng này thông qua việc kiểm soát giao dịch bất dộng sản có ghi nhận, phát sinh thuế để xác định giao dịch đáng ngờ, từ đó xác định có hành vi rửa tiền hay không; cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước để các giao dịch đáng ngờ được xác minh.

 ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng băn khoăn đối với quy định liên quan đến dấu hiệu đáng ngờ được quy định tại dự thảo luật. ĐB cho rằng, việc kinh doanh bất động sản cần phải có một điều khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với từng thời kỳ dấu hiệu đáng ngờ, vì các dấu hiệu này sẽ ngày càng nhiều hơn trong các lĩnh vực khác nhau.

Đối với vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố,ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, hiện Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn. "Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền", ĐB Dương Văn Phước nêu ý kiến. Thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật là hết sức cần thiết.

Cần có quy định rõ đối với các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản ảnh 2 Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phát biểu chiều 7-9: Ảnh: QUANG PHÚC

Giải trình tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đó Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành đã có đề xuất thể hiện trong dự thảo ban đầu quy định đối tượng báo cáo về kinh doanh tài sản ảo. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của pháp luật cho thấy, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép tài sản ảo. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, các cơ quan kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội phương án giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết.

Về các dấu hiệu đáng ngờ, trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã có tiếp thu, chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện bổ sung. Về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, dự thảo luật giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối trong phòng chống rửa tiền nhưng thực tế các giao dịch phát sinh rất nhiều. Trong đó, có nhiều giao dịch và trực thuộc các bộ ngành quản lý. Do đó, dự thảo  đã đưa ra quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Tiếp thu ý kiến ĐBQ chuyên trách, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của cơ quan đầu mối là Ngân hàng Nhà nước, rà soát bổ sung một số trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Tin cùng chuyên mục