Cần có quy định nghiêm cấm hành vi ép người khác uống rượu bia

ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến, Luật cần ghi rõ trẻ dưới 18 tuổi có được uống rượu bia hay không, vì điều này chưa thấy ghi trong luật. Với các hành vi nghiêm cấm, phải cấm hành vi ép buộc người khác uống rượu bia chứ không chỉ cấm ép buộc người dưới 18 tuổi...

Chiều 12-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đề nghị tên là Luật kiểm soát rượu bia. Cùng với đó, phải có cảnh báo về tác hại của rượu bia đối với tất cả các loại rượu bia lưu hành trên thị trường, kể cả rượu nhập khẩu, chứ còn nếu chỉ khuyến khích không có tác dụng.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng có ý kiến, Luật cần ghi rõ trẻ dưới 18 tuổi có được uống rượu bia hay không, vì điều này chưa thấy ghi trong luật.

Với các hành vi nghiêm cấm, phải cấm hành vi ép buộc người khác uống rượu bia chứ không chỉ cấm ép buộc người dưới 18 tuổi.

Cần có quy định nghiêm cấm hành vi ép người khác uống rượu bia ảnh 1 Nhiều ĐBQH nêu ý kiến, phải cấm hành vi ép buộc người khác uống rượu bia 
Hành vi ép buộc người khác uống rượu bia cần có chế tài. “Chỉ cấm rượu bia ở cơ sở y tế, giáo dục, thế còn những nơi khác thì sao, có nên cấm ở công sở? Cấm bán bia rượu trên mạng, có phù hợp không, tại sao lại cấm trong khi vẫn cho phép các cửa hàng rượu bia tồn tại.  Lý giải vì mua bán trên mạng dễ dàng hơn là chưa thuyết phục, chưa đúng luật, chưa tương thích với các luật khác. Thực tế người dân mua rượu bia qua điện thoại, qua các cửa hàng rất nhiều, trong đó có nhiều loại không kiểm soát được nguồn gốc. Do đó, điều này cần được tính toán", ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu hàng loạt câu hỏi.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cũng cho rằng, mục tiêu của chúng ta là nâng cao nhận thức để người dân từ bỏ rượu bia. Làm sao để người dân ngày càng khó có rượu bia thì dân sẽ dần từ bỏ.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan đồng ý phải tăng thuế để rượu bia ngày càng đắt, lúc đó người dân có thể hạn chế mua hơn.

“Thật đáng buồn khi ở Việt Nam sữa thì rất đắt còn rượu bia thì rẻ”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, rượu bia nhập lậu khi phát hiện thì phải hủy, chứ không cho tái xuất. Kinh nghiệm khi cho tái xuất thuốc lá nhập lậu thì cuối cùng nó cũng quay trở lại thị trường.

Trưởng Ban an toàn thực phẩm TPHCM cũng cho rằng, sửa luật phải làm sao để hạn chế tình trạng tiêu thụ bia rượu như hiện nay, để bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế thất thoát thuế của nhà nước. Cần có nhưng trung tâm cai nghiện bia rượu. Đồng thời, cần bổ sung khái niệm cồn công nghiệp là gì, vì thực tế vừa qua có nhiều trường hợp tử vong do sử dụng rượu có cồn công nghiệp.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cũng cho rằng, luật lần này phải bảo đảm làm sao kiểm soát được rượu bia, vì vậy người sản xuất, kinh doanh, cung cấp rượu bia mà vi phạm pháp luật phải bị chế tài;  trẻ vị thành niên không được uống rượu bia.

“Thực tế, có một số quốc gia đã kiểm soát được rượu bia rất nghiêm ngặt, vì thế yêu cầu đặt ra là chế tài xử phạt phải hết sức nghiêm. Còn nếu chế tài không nghiêm thì luật có ra đời chúng ta cũng không kiểm soát được”, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê có ý kiến.

Cần có quy định nghiêm cấm hành vi ép người khác uống rượu bia ảnh 2 ĐB Nguyễn Minh Hoàng 
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cho rằng, tập tục của người Việt Nam là có uống rượu bia, tập tục thì có cả tốt và xấu, cấm cả sẽ không khả thi, vì thế vấn đề là phải kiểm soát, “vì rượu bia nếu giữ chừng mực thì không xấu, còn quá thì sẽ thành xấu, nhiều tác hại”. Mọi quy định, chế tài phải khả thi.

“Thực tế ở các địa phương thiếu niên uống rượu rất nhiều, tôi vừa đi Hà Giang về, 100% thiếu niên tôi gặp đều có uống rượu. Vì thế, quy định điều này như thế nào cho hiệu quả, khả thi, và phải tương thích với luật lao động về độ tuổi lao động”, ĐB Nguyễn Minh Hoàng nói.

ĐB Lâm Đình Thắng cũng tán thành với ý kiến của ĐB Phạm Khánh Phong Lan rằng, tên luật là kiểm soát rượu bia, bổ sung cấm hành vi ép buộc người khác uống rượu bia.

“Thực tế, nhiều bạn trẻ bị ép uống rượu bia, vì thế cần luật hóa điều này để thay đổi nhận thức. Cùng với đó, cần chú trọng nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh từ THCS trở lên”, ĐB Lâm Đình Thắng nêu.

ĐB Lâm Đình Thắng cũng cho rằng mức phạt rất nhẹ so với các quốc gia khác đối với hành vi lái xe mà có nồng độ cồn, các nước họ phạt tù, tước giấy phép.. còn chúng ta mới chỉ phạt hành chính. Do đó, cần tăng nặng mức phạt đối với hành vi uống rượu mà lái xe.

ĐB Tô Thị Bích Châu cũng nêu thực tế hiện nay là nhà nhà bán bia rượu, người người bán bia rượu. “Tôi nhiều lần đi họp, đi công việc ngồi cạnh bên những ông như hũ hèm”, ĐB Tô Thị Bích Châu ví von. 

Do đó, tán thành có luật, nghiêm cấm hành vi người khác uống rượu bia. ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng, Luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người kinh doanh rượu bia với chế tài đủ mạnh.

Tin cùng chuyên mục